Trung Quốc cảnh báo Mỹ về vấn đề Hồng Kông: 'Đùa với lửa sẽ bị bỏng'
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã lên tiếng cáo buộc Mỹ reo rắc tầm ảnh hưởng tới phong trào biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, gây ra tình trạng bạo lực làm tê liệt thành phố này trong suốt 2 tháng qua.
"Như các bạn đã biết, bằng cách nào đó, nó chính là tác phẩm của nước Mỹ" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba tại Bắc Kinh. Bà Hoa thêm rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nước ngoài nào" can thiệp vào thành phố bán tự trị của họ, cảnh báo rằng "những kẻ đùa với lửa sẽ bị bỏng".
Phát ngôn trên là một trong những lời cáo buộc trực tiếp nhất mà trong đó Bắc Kinh cho rằng Mỹ can thiệp vào chính trường Hồng Kông, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ngờ vực có các thế lực phương Tây đứng đằng sau phong trào biểu tình này.
Nhiều bức ảnh mới đây cho thấy người biểu tình Hồng Kông mang theo cả quốc kỳ Mỹ. Giới truyền thông Trung Quốc trước đó từng đăng tải nhiều bài xã luận tố Mỹ gây ra tình trạng hỗn loạn này. Tờ Global Times hôm đầu tuần này còn chỉ ra "hoạt động liên lạc ở mức độ chưa từng có tiền lệ" giữa các thủ lĩnh biểu tình dân chủ Hồng Kông và Chính phủ các nước phương Tây.
"Có một bí mật mở ở Hồng Kông, đó là các lực lượng biểu tình chống dự luật dẫn độ được bảo trợ bởi Mỹ" - bài xã luận của Global Times có đoạn.
Triều Tiên trong khi đó cũng đưa ra những tuyên bố tương tự nhằm vào Mỹ. Trong bài xã luận đăng tải hôm thứ Sáu tuần trước, tờ Rodong Sinmun nói rằng các cuộc biểu tình là "kết quả của một âm mưu mà Mỹ và các nước phương Tây thực hiện".
Tuy nhiên, cả hai nước này đều không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ các cáo buộc của họ. Tại buổi họp báo mới đây, bà Hoa Xuân Oánh chỉ đề cập tới các cuộc họp công khai giữa các thủ lĩnh dân chủ Hồng Kông và giới chính trị gia Mỹ.
Trong một tuyên bố phản ứng, Bộ Ngoại giao Mỹ ban đầu gọi cáo buộc của Bắc Kinh là "một tuyên bố nực cười". "Chỉ nghĩ về việc hàng triệu người dân bị thao túng để đứng lên kêu gọi một xã hội tự do, cởi mở đã là điều khó tin" - tuyên bố nêu rõ. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ này sau đó sửa lại tuyên bố để đưa ra quan điểm ngoại giao rõ ràng hơn: "Chúng tôi cực lực bác bỏ cáo buộc cho rằng chúng tôi là thế lực nước ngoài đứng đằng sau làn sóng biểu tình này".
Một người biểu tình mang theo tấm lá chắn như trong truyện tranh "Đại tá Mỹ" trong cuộc biểu tình diễn ra ở Hồng Kông năm 2014 (Ảnh: CNN)
"Bàn tay đen" của Mỹ
Làn sóng biểu tình ở Hồng Kông ban đầu bắt nguồn từ dự luật dẫn độ gây tranh cãi, trong đó sẽ cho phép dẫn độ người phạm tội về Trung Quốc đại lục. Dù Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, nhưng nó lại được cai trị dựa trên một hệ thống chính trị riêng biệt, cho phép họ có quyền tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật lớn hơn. Những người biểu tình quan ngại rằng, dự luật dẫn độ sẽ làm suy giảm sự tự do đặc biệt của thành phố.
Kể từ đó, dự luật bị ngừng, nhưng các cuộc biểu tình rộng khắp vẫn tiếp diễn và quy mô lên tới hàng trăm nghìn người. Họ bắt đầu nêu ra quan ngại về nhiều vấn đề khác, trong đó đòi quyền dân chủ lớn hơn cho Hồng Kông, kêu gọi Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức và mở cuộc điều tra về việc cảnh sát trấn áp mạnh tay với người biểu tình.
Biểu tình diễn ra ngày càng dày dặc và đôi lúc trở thành các vụ bạo động. Cuối tuần trước, để giải tán người biểu tình, cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su và hơi cay, trong khi người biểu tình phóng các xe đẩy bốc cháy ngùn ngụt về phía cảnh sát.
Bà Bonnie Glaser - Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - nói rằng Bắc Kinh vốn đã có "truyền thống" đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài mỗi khi họ gặp vấn đề biểu tình hoặc bất ổn trong nước.
"Giới chức Trung Quốc đã nói với giới chức Mỹ rằng, họ biết rõ là có bàn tay đen của Mỹ trong làn sóng biểu tình này" - bà Glaser nói - "Việc Trung Quốc mô tả về sự can thiệp từ bên ngoài là khá điển hình. Họ thường mô tả các thế lực phương Tây xấu xa đang cố gắng làm xói mòn sự phục hồi quốc gia của Trung Quốc".
Không bằng chứng
Dù không có bằng chứng cho thấy Mỹ dính líu tới làn sóng biểu tình ở Hồng Kông, nhưng Washington đúng là từng nhiều lần can thiệp vào chính trường các nước khác trong quá khứ.
Các tài liệu mật được công bố năm 2011 cho thấy, âm mưu lật đổ chính quyền Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh năm 1953 "được thực hiện theo chỉ đạo của CIA, như một hành động tuân theo chính sách ngoại giao của Mỹ".
Nhiều thập kỷ sau, năm 2018, giới chức Mỹ đã có cuộc gặp bí mật với một số tướng lĩnh quân đội Venezuela đang có âm mưu lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro, nhưng cuối cùng Washington lại quyết định không ủng hộ họ.
Trong cuộc họp báo mới nhất, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng các quan chức chóp bu trong chính quyền Trump - bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mike Pence - đã có nhiều cuộc gặp với "nhân sự phe đối lập" trong tháng 7. Được biết cả hai quan chức trên đều công khai gặp gỡ ông trùm truyền thông Jimmy Lai, một người có quan điểm ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh có thực sự tin rằng Mỹ - hay rộng hơn là các nước phương Tây - đứng đằng sau các cuộc biểu tình, hay đây chỉ là một tuyên bố mang tính chất truyền bá tư tưởng.