Trung Quốc cảnh báo nguy cơ bong bóng tài sản, chứng khoán châu Á quay đầu giảm mạnh
Chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên 2/3 sau khi một quan chức ngân hàng Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu cũng như lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Thị trường cổ phiếu châu Á quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Ba do nhà đầu tư thận trọng sau phát biểu quan ngại của ông Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) về nguy cơ bong bóng tài sản rủi ro tại thị trường tài chính toàn cầu và đợt bán tháo trái phiếu gần đây.
“Bong bóng trên thị trường Mỹ và châu Âu có thể đổ vỡ vì đà tăng của các thị trường đang đi ngược hướng với các nền kinh tế cơ bản và sẽ phải đối mặt với sự điều chỉnh dù sớm hay muộn”, ông Guo Shuqing cho biết tại một cuộc họp giao ban ở Bắc Kinh hôm 2/3.
Theo ông Guo, giới chức Bắc Kinh đang theo dõi dòng vốn chảy vào Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phát triển và lãi suất cao hơn mặc dù quy mô và tốc độ của dòng vốn như vậy vẫn có thể kiểm soát được vào thời điểm hiện tại.
Ông Guo cũng cảnh báo rằng bong bóng trên thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn còn tương đối lớn vì rất nhiều người mua nhà với mục đích đầu tư hoặc đầu cơ, điều này là “rất nguy hiểm”.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/3, hỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản đảo ngược đà đi lên ở đầu phiên và giảm 0,33%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng mất 0,85% khi một số nhà đầu tư chuyển hướng lựa chọn cổ phiếu năng lượng phòng thủ và tiện ích.
Tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 cũng hạ 0,4% xuống còn 6.762,3 điểm sau khi có thời điểm tăng 1% trong phiên giao dịch hôm nay.
Chỉ số tương lai của chứng khoán châu Âu tại thị trường châu Á cũng giao dịch ảm đạm trong phiên này, với chỉ số Euro Stoxx 50 mất 0,38%. Trong khi đó, chỉ số FTSE của London giảm 0,4%, còn DAX của Đức hạ 0,49%.
Cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc và sàn cũng quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch buổi chiều sau cảnh báo của ông Guo Shuqing. Chỉ số chứng khoán của Trung Quốc giảm 1,78%, còn chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông cũng mất 1,45%.
Giới đầu tư hiện đang chú ý đến phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, dự kiến khai mạc vào ngày 5/3, theo đó sẽ vạch ra lộ trình phục hồi kinh tế của nước này và kế hoạch 5 năm để chống lại tình trạng trì trệ.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3. Chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong gần 9 tháng, khi thị trường trái phiếu bình ổn sau đợt bán tháo kéo dài một tháng.
Các chỉ số chính của sàn Phố Wall Street tăng vọt nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình mở cửa lại nền kinh tế.
Chốt phiên giao dịch 1/3, chỉ số Dow Jones tăng 2% lên 31.535 điểm, chủ yếu nhờ Boeing tăng 5,8%. S&P 500 đóng cửa tăng 2,4% lên 3.901 điểm, với 11 nhóm ngành cùng đi lên. Đây cũng là phiên tốt nhất của chỉ số này kể từ ngày 5/6. Nasdaq Composite cộng 3% lên 13.588 điểm.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong ngày 1/3 có thời điểm xuống 1,4%. Lợi suất có vẻ đang ổn định quanh mốc này, sau khi lên đỉnh 1,6% tuần trước.
Các nhà phân tích của ANZ lưu ý trong báo cáo mới nhất: “Tâm lý hứng khởi với tài sản rủi ro quay trở lại thị trường khi các nhà đầu tư rũ bỏ nỗi lo về lãi suất tăng cao và kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế”.
Nhà đầu tư cổ phiếu đang dần lạc quan khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 28/2 thống nhất khuyến nghị dùng vaccine một liều của Johnson & Johnson's cho người từ 18 tuổi trở lên. Công ty này dự kiến xuất xưởng 4 triệu liều vaccine ban đầu.
Hạ viện Mỹ cuối tuần trước cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 1,9 ngàn tỷ USD. Gói này đang được Thượng viện xem xét.