Trung Quốc cáo buộc các quốc gia 'phát triển' làm nóng Trái đất

Trung Quốc, cường quốc số 2 thế giới về GDP, ngày 27/11 đã lên tiếng cáo buộc các nước phát triển không đóng góp đủ về mọi mặt cho cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh COP25 tại Madrid.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc Zhao Yingmin

Thứ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc Zhao Yingmin

"Việc thiếu ý chí chính trị của các nước phát triển" là "vấn đề lớn nhất" trong nỗ lực giảm phát thải chất ô nhiễm, Thứ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc Zhao Yingmin nói với các phóng viên tại Bắc Kinh ngày 27/11. Ông Yingmin cũng bác bỏ các báo cáo cho rằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nước phát thải CO2 lớn nhất trên hành tinh vào thời điểm hiện tại.

Là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc tự coi mình đủ điều kiện để nhận được sự trợ giúp từ quỹ hằng năm trị giá 100 tỷ USD mà các nước giàu hứa hẹn để giúp những nước nghèo nhất đối phó với sự biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính.

Trong một báo cáo được trình bày ngày 27/11, Trung Quốc đặc biệt chỉ trích quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ và gián tiếp phản đối đề xuất về "thuế carbon ở biên giới các nước". Khái niệm này từng được Chủ tịch tương lai của Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đề cập.

Cơ chế này, đã được Pháp đề xuất và triển khai từ lâu, sẽ giúp đánh thuế những sản phẩm nhập khẩu phát thải nhiều khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Đối với Bắc Kinh, thuế này, như dự kiến "của một số nước phát triển", "sẽ gây tổn hại nghiêm trọng" đến tham vọng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Các bên ký kết thỏa thuận Paris sẽ dự cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP25) từ ngày 2/12 đến ngày 13/12/2019 tại Madrid. Thỏa thuận Paris năm 2015 quy định rằng 200 quốc gia ký kết sẽ tăng cường cam kết giảm phát thải khí nhà kính vào cuối năm 2020.

Nhưng ngày 26/11, Liên Hiệp Quốc đưa ra một cảnh báo: để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng ở mức 1,5°C, thế giới cần giảm 7,6% lượng khí thải CO2 mỗi năm, từ năm 2020 đến năm 2030. Tuy nhiên, hiện tại, "không có dấu hiệu" nào cho thấy lượng khí thải này sẽ giảm trong những năm tới.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-cao-buoc-cac-quoc-gia-phat-trien-lam-nong-trai-dat-556995.html