Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản, hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc

Các cơ quan quản lý tiền tệ và tài chính Trung Quốc hôm 7/5 đã công bố kế hoạch toàn diện nhằm cắt giảm lãi suất chủ chốt và thúc đẩy tăng trưởng trước những lo ngại về tác động của xung đột thương mại, theo đài CNBC.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), ông Pan Gongsheng, khẳng định tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống còn 1,4%, từ mức 1,5%. Điều này sẽ kéo lãi suất cho vay cơ bản (LPR) xuống khoảng 10 điểm cơ bản, Thống đốc Pan Gongsheng cho biết.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng xuống 50 điểm cơ bản, giải phóng thêm thanh khoản 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 138,6 tỷ USD) cho thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo cùng với các quan chức từ Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia và Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc. Buổi họp báo diễn ra vài giờ sau khi Bắc Kinh khẳng định Phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng (Hà Lập Phong) sẽ hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này để thảo luận về các vấn đề thuế quan và thương mại. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy các cuộc đàm phán giữa hai bên có thể sẽ sớm bắt đầu.

Đây cũng sẽ là cuộc đàm phán thương mại đầu tiên được xác nhận giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao ngất ngưởng là 145%, khiến Bắc Kinh phải trả đũa bằng cách áp thêm thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cuộc đàm phán sắp tới có thể đánh dấu bước ngoặt trong thương chiến Mỹ - Trung, vốn đã làm rung chuyển thị trường và làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố những điều chỉnh chính sách trên trong lúc xuất hiện nhận định rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát sâu hơn khi chuyển hướng xuất khẩu sang Mỹ về thị trường trong nước.

Khi mức thuế cao ngất ngưởng triệt tiêu các đơn đặt hàng từ Mỹ, Bắc Kinh đã nỗ lực hỗ trợ các nhà xuất khẩu chuyển hướng bán hàng sang thị trường trong nước, một động thái đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình trạng giảm phát sâu hơn.

Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ việc giúp các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ chuyển hướng sản phẩm để bán trong nước. JD.com, Tencent và Douyin, một ứng dụng "chị em" của TikTok tại Trung Quốc, nằm trong số những "gã khổng lồ" thương mại điện tử cam kết thúc đẩy việc bán hàng nội địa.

Đơn cử, JD.com đã cam kết 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ đô la) để hỗ trợ các nhà xuất khẩu và đã thiết lập một mục dành riêng trên nền tảng của mình dành cho hàng hóa ban đầu dành cho người tiêu dùng Mỹ, với mức chiết khấu lên tới 55%.

Theo nhóm chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley, khi chiến tranh thương mại kéo giảm các đơn hàng xuất khẩu, tình trạng giảm phát trong giá bán buôn của Trung Quốc có khả năng sẽ giảm sâu xuống 2,8% vào tháng 4, từ mức 2,5% vào tháng 3.

"Chúng tôi tin rằng tác động của thuế quan sẽ là nghiêm trọng nhất trong quý này, vì nhiều nhà xuất khẩu đã dừng sản xuất và giao hàng sang Mỹ", các nhà kinh tế của Morgan Stanley cảnh báo.

Đối với cả năm 2025, Shan Hui, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs, dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc sẽ giảm xuống 0%, từ mức tăng trưởng 0,2% theo năm vào năm 2024, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ giảm về 1,6%, từ mức giảm 2,2% vào năm ngoái.

Goldman Sachs dự báo GDP thực tế của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 4,0% trong năm nay, ngay cả khi chính quyền nước này đã đặt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%".

Khi được hỏi về tác động tiềm tàng của sự gia tăng cạnh tranh trong thị trường Trung Quốc, giáo sư Justin Yifu Lin của Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách có mục tiêu khác để thúc đẩy sức mua.

Cũng theo GS. Justin Yifu Lin, Trung Quốc vẫn có thể duy trì năng lực sản xuất trong khi Mỹ sẽ mất ít nhất một hoặc hai năm để đưa hoạt động sản xuất trở lại, nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu giá cao hơn trong khoảng thời gian đó.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-cat-giam-lai-suat-co-ban-ha-ty-le-du-tru-bat-buoc-d279351.html