Trung Quốc chấm dứt cách ly người nhập cảnh, báo hiệu kết thúc chính sách 'zero Covid'
Kể từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc sẽ chấm dứt yêu cầu cách ly 5 ngày ở khách sạn và sau đó là 3 ngày tại nhà đối với người nhập cảnh. Quyết định này nhằm bãi bỏ tất cả những quy định nghiêm ngặt nhất còn lại của chính sách zero Covid khiến Trung Quốc gần như đóng cửa với phần còn lại của thế giới trong gần 3 năm qua.
Hôm 26-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã tiết lộ động thái nói trên như một phần của thông báo rộng rãi hơn nhằm hạ cấp quản lý đối với Covid-19.
Theo thông báo, du khách đến Trung Quốc chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 có hiệu lực trong vòng 48 giờ và sẽ không cần phải đăng ký mã QR về sức khỏe. Tuy nhiên, trên chuyến bay đến Trung Quốc, du khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, NHC cho biết sẽ ngừng theo dõi những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, dừng phân cấp các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và hủy bỏ các biện pháp phòng chống Covid-19 vốn làm chậm quá trình nhập khẩu hàng hóa.
Theo NHC, hơn 90% các ca nhiễm biến thể omicron là “nhẹ hoặc không có triệu chứng”, một mô tả cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi quan điểm đối với Covid-19 khi dịch bệnh này vẫn đang càn quét khắp đất nước.
NHC cũng cho biết sẽ cải thiện việc cung cấp thị thực cho người nước ngoài vào Trung Quốc để giúp họ nối lại công việc kinh doanh, học tập, thăm người thân và các cuộc gặp gỡ khác. Trong khi đó, việc cho phép công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài sẽ được “nối lại một cách có trật tự”.
Trong tháng này, Trung Quốc cũng đã bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc đối với các ca nhiễm Covid-19 tại các cơ sở tập trung tuyệt đối giữa lúc nước này đang chống chọi đợt bùng phát dịch nghiêm trọng trong mùa đông với số ca nhiễm ước tính đã lên tới hàng trăm triệu, khiến các dịch vụ y tế đang chịu áp lực lớn.
Các mô hình dự báo đã ước tính rằng “sóng thần” Covid-19 hiện nay ở Trung Quốc có thể dẫn đến gần 1 triệu ca tử vong, dù dữ liệu công khai của Trung Quốc đã không còn phản ánh tình hình thực tế và các quy định của chính sách zero Covid, như xét nghiệm hàng loạt, phần lớn đã không còn được áp dụng.
Trung Quốc đã theo đuổi chính sách không khoan nhượng với Covid-19 ngay sau khi đại dịch này ập tới. Giới chức trách sẵn sàng nhanh chóng phong tỏa các thành phố lớn mỗi khi dịch bùng phát và áp đặt các yêu cầu kiểm dịch khắt khe đối với những người nước ngoài nhập cảnh như một phần của nỗ lực loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 trong biên giới của nước này.
Vào cuối năm nay, chính sách zero Covid bắt đầu sụp đổ khi giới chức trách chật vật ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở nhiều thành phố, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, giữa lúc tâm lý của người dân ngày càng trở nên mệt mỏi.
Thông báo của NHC hôm 26-12 báo hiệu sự kết thúc của chính sách zero Covid vốn đã làm thay đổi mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trong thời gian dài.
Trong năm nay, có thời điểm Bắc Kinh đã yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly 3 tuần ở khách sạn. Quy định hiện tại, cách ly 5 ngày ở khách sạn, sau đó là 3 ngày ở nhà, sẽ kết thúc vào ngày 8-1 tới.
Năm 2019, có 670 triệu lượt khách đến và đi từ Trung Quốc. Năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 128 triệu, theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia Trung Quốc.
Yêu cầu cách ly đối với du khách nhập cảnh và các biện pháp kiểm soát Covid-19 khác đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đưa các nhân viên, kỹ sư và lãnh đạo đến Trung Quốc.
Tuần trước, Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại không có nghĩa là du lịch sẽ phục hồi ngay lập tức.
Ông lưu ý rằng số lượng các chuyến bay có sẵn trong và ngoài Trung Quốc cần phải phục hồi. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng các hãng hàng không Mỹ hoặc các hãng hàng không quốc tế khác sẽ ngay lập tức hoạt động trở lại bình thường vì những chiếc máy bay của họ đã bay các tuyến khác”.
Việc đột ngột dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 đã gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh, một trong những tâm điểm bùng phát dịch hiện nay và được cho là một trong những thành phố được chuẩn bị tốt nhất.
Dữ liệu gần đây đã cho thấy tổn thất kinh tế do chính sách zero Covid. Trong tháng 11, doanh số bán lẻ, thước đo chi tiêu của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này mạnh hơn dự báo của các nhà phân tích. Nhưng giờ đây, với đà lây lan mạnh của đại dịch Covid-19, nền kinh tế và các doanh nghiệp ở Trung Quốc lại tiếp tục chịu tổn thương.
Apple nằm trong số những công ty dễ bị tổn thương hơn do vấn đề về chuỗi cung ứng. Công ty đang đối mặt với một mối đe dọa có thể kéo dài: lao động thiếu hụt ở khắp các nhà máy cung cấp linh kiện và lắp ráp iPhone tại Trung Quốc khi công nhân nghỉ ốm do nhiễm Covid-19.
Bindiya Vakil, Giám đốc điều hành Resilinc, công ty có trụ sở tại California, chuyên theo dõi hơn 3 triệu linh kiện khắp các chuỗi cung ứng, cho biết: “Chúng ta sẽ thấy rất nhiều hoạt động bị ảnh hưởng ở Trung Quốc bởi tình trạng nghỉ ốm, không chỉ tại các nhà máy mà còn ở cả các cơ sở kho bãi, phân phối, hậu cần và vận chuyển”.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên khắp Trung Quốc và điều này cũng đang cản trở các nhà xuất khẩu giao hàng đúng hạn vì công nhân của họ bị ốm.
Công ty Bilateral Trade Asia America Ltd. (Hồng Kông) đã lên kế hoạch xuất khẩu hai container hàng hóa từ Trung Quốc cho khách hàng nước ngoài vào ngày 23-12, nhưng rốt cuộc phải hoãn giao hàng vì bảy nhà cung cấp không giao hàng đúng hạn do dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương.
Theo Financial Times, CNBC