Trung Quốc: Cháy cầu gỗ hơn 900 tuổi, báo động về việc bảo vệ các di tích cổ

Cầu Vạn An được xây dựng vào thời nhà Tống (960-1127) ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, đã bị thiêu rụi vào đêm ngày 6/8. Không có thương vong nào được báo cáo.

Cục Điều tra Hình sự thuộc Sở Công an huyện Bình Nam đã vào cuộc để điều tra nguyên nhân vụ cháy. "Tôi suy đoán rằng vụ việc không phải là một thảm họa tự nhiên, việc một cây cầu tự cháy trên mặt nước là rất hiếm”, Xu Yitao, chuyên gia về kiến trúc cổ của Đại học Bắc Kinh cho biết.

Mặc dù đám cháy đã được dập tắt trong sau khoảng 10 giờ, nhưng phần thân của cây cầu gỗ hơn 900 tuổi đã bị thiêu rụi dẫn đến sụp đổ chỉ trong 20 phút đầu tiên của trận hỏa hoạn. Ông Xu lưu ý, cấu trúc bằng gỗ độc đáo khiến nó càng dễ bén lửa.

Cầu Vạn An bốc cháy (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Cầu Vạn An bốc cháy (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Cầu Vạn An là cây cầu vòm bằng gỗ dài nhất Trung Quốc với chiều dài 98,2m. Cây cầu được xây dựng vào thời Bắc Tống, từng bị cháy vào thời nhà Thanh (1644-1911) dưới triều đại của hoàng đế Khang Hy, sau đó được xây dựng lại vào năm Càn Long thứ 7 (1742).

Trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu khác nhau, công trình vẫn giữ được nét cổ kính đồng thời phục vụ người dân trong vùng qua lại. Cầu Vạn An có mái và thân bằng gỗ đặt trên các trụ cầu bằng gạch. Theo ông Xu, cây cầu mang giá trị văn hóa lớn lao khi cô đọng rất nhiều kỹ thuật cổ xưa của người Trung Quốc và cả tư duy tinh tế khi chọn chất liệu gỗ. Năm 2005, cây cầu trở thành một trong Cụm bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm quốc gia đợt 6.

Kiến trúc gỗ của cầu Vạn An (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Kiến trúc gỗ của cầu Vạn An (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Sau vụ hỏa hoạn hôm thứ 7, các chuyên gia Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường giải pháp "bốn phòng ngừa" để bảo vệ các kiến trúc cổ bằng gỗ. Ông Xu cho biết phòng cháy chữa cháy, sử dụng hệ thống giám sát để đảm bảo an ninh cho các kiến trúc cổ, ngăn chặn thiệt hại do sấm sét, tăng cường tuần tra và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đội cứu hỏa địa phương là bốn phương pháp chính giúp giảm thiệt hại có thể xảy ra đối với các công trình kiến trúc cổ.

Vào năm 2021, làng Wengding của người Wa, bộ tộc nguyên thủy cuối cùng của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, đã bị lửa nhấn chìm sau khi một đứa trẻ 8 tuổi nghịch lửa trong làng. Trước đó, vào năm 2019, Nhà thờ Đức bà Paris - địa danh văn hóa nổi tiếng nhất của Pháp cũng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Những vụ việc tương tự như một hồi chuông báo động về việc bảo tồn các kiến trúc cổ đại của thế giới.

"Cách hiệu quả hơn để bảo vệ các công trình kiến trúc cổ là hướng đến con người. Điều này liên quan đến việc giáo dục cộng đồng về giá trị của các di tích đó. Bảo tồn chúng không chỉ đơn thuần là công việc của nhà nghiên cứu." Xiao Fangping, một nhà khảo cổ học kiến trúc ở Vũ Hán, nhận định.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/trung-quoc-chay-cau-go-hon-900-tuoi-bao-dong-ve-viec-bao-ve-cac-di-tich-co-165303.html