Trung Quốc chạy đua thay thế công nghệ phương Tây

Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu để thay thế công nghệ của phương Tây bằng các giải pháp thay thế trong nước. Động thái này diễn ra khi Washington thắt chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Với danh mục sản phẩm đa dạng từ chip cho đến phần mềm, Tập đoàn công nghệ Huawei nổi lên như là nhà cung cấp hàng đầu ở trong nước khi Bắc Kinh tăng tốc thay thế công nghệ của phương Tây. Ảnh: Reuters

Với danh mục sản phẩm đa dạng từ chip cho đến phần mềm, Tập đoàn công nghệ Huawei nổi lên như là nhà cung cấp hàng đầu ở trong nước khi Bắc Kinh tăng tốc thay thế công nghệ của phương Tây. Ảnh: Reuters

Tăng tốc mua sắm công nghệ bản địa

Dựa vào dữ liệu hồ sơ mời thầu, các tài liệu nghiên cứu và các nguồn thạo tin, hãng tin Reuters nhận thấy, kể từ năm ngoái, các tổ chức liên kết với nhà nước, quân đội và chính quyền ở Trung Quốc tăng tốc chi tiêu mua sắm để thay thế thiết bị và phần mềm công nghệ của phương Tây.

Hai nguồn thạo tin cho biết. Trung Quốc đã chi mạnh tay để thay thế thiết bị máy tính do phương Tây sản xuất, và lĩnh vực viễn thông và tài chính có thể là mục tiêu tiếp theo. Các nhà nghiên cứu ở các tổ chức được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn xác định, lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số đặc biệt dễ tổn thương trước rủi ro tấn công mạng từ phương Tây. Điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc tìm cách bản địa hóa công nghệ thanh toán số.

Theo dữ liệu của Bộ tài chính Trung Quốc, trong 12 tháng kể từ tháng 9-2022, số lượng hồ sơ mời thầu từ các doanh nghiệp nhà nước, chính phủ và quân đội Trung Quốc nhằm bản địa hóa thiết bị công nghệ đã tăng gấp đôi lên 235. Trong cùng thời gian, giá trị của các dự án liên quan trúng thầu được liệt kê trong cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc đạt tổng cộng 156,9 triệu nhân dân tệ, cao gấp hơn ba lần so với năm trước.

Cơ sở dữ liệu đó chỉ đại diện cho một phần nhỏ hồ sơ mời thầu trên toàn quốc nhưng đây là tập hợp dữ liệu công khai lớn nhất về hồ sơ mời thầu của nhà nước. Theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin First New Voice, Trung Quốc đã chi 1,4 nghìn tỉ nhân dân tệ (191 tỉ đô la Mỹ) để thay thế phần cứng và phần mềm của nước ngoài vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 16,2% so với năm 2021.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý, do thiếu khả năng sản xuất chip cao cấp, Bắc Kinh không thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm công nghệ phương Tây bằng các sản phẩm hoàn toàn được sản xuất trong nước.

Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ ở hãng tư vấn Trivium, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, những nỗ lực thay thế công nghệ phương Tây trước đây bị đình trệ vì Trung Quốc không có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật để thực hiện nội địa hóa. Hiện tại, năng lực chuyên môn này đã cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế ở mức độ nhất định.

Lo ngại phụ thuộc

Theo 5 công ty môi giới, hồi tháng 9-2022, Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAS) ban hành chỉ thị, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, chậm nhất đến năm 2027, phải thay thế hệ thống phần mềm văn phòng của phương Tây bằng các sản phẩm nội địa. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra thời hạn cụ thể như vậy,

Dữ liệu từ các hồ sơ mời thầu cho thấy các dự án thay thế công nghệ phương Tây có xu hướng nhắm đến các cơ sở hạ tầng nhạy cảm. Một hồ sơ mời thầu của một cơ quan chính quyền ở tỉnh Cam Túc dự kiến chi 4,4 triệu nhân dân tệ để thay thế thiết bị của hệ thống thu thập thông tin. Trong khi đó, tháng 12 năm ngoái, các đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở hai thành phố Cáp Nhĩ Tân và Hạ Môn, công bố gói thầu thay thế máy tính do nước ngoài sản xuất.

Các nhà nghiên cứu công nghệ như Mo Jianlei ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh ngày càng lo ngại về việc thiết bị của phương Tây bị các thế lực nước ngoài xâm nhập trái phép.

Trong năm qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng kêu gọi giới chức trách tăng cường phòng thủ chống xâm nhập và tấn công mạng ở cơ sở hạ tầng tài chính. Một báo cáo nghiên cứu hồi tháng 3 nhấn mạnh sự phụ thuộc của hệ thống thẻ tín dụng UnionPay của Trung Quốc vào hãng phần mềm BMC của Mỹ trong hoạt động thanh toán.

“Chúng ta hãy cẩn thận với các lỗ hổng bảo mật trong phần cứng và phần mềm do phía Mỹ thiết lập. Hãy xây dựng một ‘tường lửa’ bảo mật tài chính”, báo cáo có đoạn.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí An ninh không gian mạng của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc kết luận rằng Trung Quốc quá phụ thuộc vào chip của hãng Qualcomm ( Mỹ) để quản lý back-end (những chức năng hỗ trợ hoạt động của một trang web hoặc ứng dụng), cũng như hệ điều hành iOS và Android của Google và Apple.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, vì Trung Quốc chưa ký các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về quản lý mua sắm công nên nỗ lực thay thế trên dường như không vi phạm các hiệp định quốc tế.

Thị phần hệ thống quản lý dữ liệu của nước ngoài giảm mạnh

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một hệ thống máy tính độc lập ít nhất bắt nguồn từ kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ 5 năm công bố vào năm 2006. Kế hoạch này liệt kê các lĩnh vực như hệ thống bán dẫn và phần mềm là ưu tiên quốc gia. Nỗ lực này đã giúp các công ty nhà nước Trung Quốc ngày càng giành được nhiều hợp đồng lớn. Hai công ty được thắng thầu ở Cáp Nhĩ Tân là các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Theo một nhân viên của công ty phát triển phần mềm văn phòng, có trụ sở tại Bắc Kinh, chỉ thị của SASAS vào năm 2022 đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tránh xa các hãng phần mềm văn phòng của Mỹ như Microsoft và Adobe. Ví dụ, hồi tháng 7, một số công ty con của Tổng Công ty thuốc lá Trung Quốc, đã thay thế hệ điều hành Microsoft Windows bằng hệ điều hành EulerOS của Huawei.

Trong nhiều năm, các công ty công nghệ phương Tây đã chia sẻ mã nguồn và hợp tác với các công ty Trung Quốc để giải quyết những lo ngại an ninh dữ liệu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học máy tính nổi tiếng như Ni Guangnan ở Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng, những biện pháp như vậy là chưa đủ đối với nhu cầu an ninh của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của Reuters, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Bắc Kinh cho biết: “Trong một số lĩnh vực nhất định, khách hàng Trung Quốc đang lựa chọn các nhà cung cấp trong nước, trong khi các nhà cung cấp nước ngoài thường xuyên đối mặt với các rào cản không chính thức”.

Tập đoàn công nghệ Huawei nổi lên như một công ty hàng đầu trong chu kỳ thay thế này, theo ba nguồn tin am hiểu ngành công nghệ doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2022, mảng kinh doanh phụ vụ khách hàng doanh nghiệp của Huawei, bao gồm phần mềm và điện toán đám mây, đạt doanh thu 133 tỉ nhân dân tệ, tăng 30% so với năm trước đó. Danh mục sản phẩm đa dạng của Huawei, từ chip đến phần mềm, giúp công ty này có lợi thế đáng kể so với các nhà cung cấp trong nước khác.

Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, thị phần tổng cộng ở Trung Quốc của 5 nhà sản xuất hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hàng đầu của nước ngoài, phần lớn là các công ty Mỹ, giảm từ 57,3% vào năm 2018, xuống 27,3% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, cho đến nay, các công ty nước ngoài vẫn là nhà cung cấp chiếm ưu thế trong lĩnh vực quản lý cơ sở dữ liệu ngân hàng và viễn thông ở Trung Quốc. Theo hãng tư vấn công nghệ EqualOcean, các công ty nước ngoài nắm giữ 90% thị phần hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngân hàng ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Một trong những nguồn tin trong ngành cho biết, các ngân hàng ở Trung Quốc thường không muốn chuyển đổi hệ thống cơ sở dữ liệu bất chấp áp lực của chính phủ. Nguồn tin này lưu ý thêm, các ngân hàng có nhu cầu duy trì sự ổn định cao hơn nhiều lĩnh vực khác, nhưng các nhà cung cấp công nghệ trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đó.

Theo Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-chay-dua-thay-the-cong-nghe-phuong-tay/