Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản và Mỹ ra tuyên bố chung về Đài Loan
Vài giờ sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ nêu tên Đài Loan trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo lần đầu tiên sau hơn 5 thập kỷ, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích về điều này cũng như mối quan tâm của họ đối với Hồng Kông và Tân Cương.
Tuyên bố chung của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến Bắc Kinh giận dữ - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Phái đoàn không chính thức của Mỹ tới Đài Loan bất chấp căng thẳng với Trung Quốc
25 máy bay Trung Quốc dồn dập áp sát Đài Loan
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc ‘hành động ngày càng hung hăng nhằm vào Đài Loan'
Nhật Bản và Mỹ nhắm đến hợp tác về chuỗi cung ứng chip ở chuyến thăm của Thủ tướng Suga
"Những vấn đề này thuộc vào lợi ích cơ bản của Trung Quốc và không được phép can thiệp. Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các bình luận có liên quan trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật", người phát ngôn tại Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (17/4).
Đài Loan là một vấn đề rất nhạy cảm đối với Trung Quốc và coi hòn đảo là lãnh thổ không thể tách rời. Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu Washington cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.
Tuần này, Tổng thống Biden đã cử một phái đoàn không chính thức, bao gồm các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg, như một dấu hiệu cho thấy cam kết của ông đối với hòn đảo. Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi 25 máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đã công kích tuyên bố của Mỹ-Nhật trong một bài xã luận, nói rằng đã đến lúc hai nước phải hành xử theo một "cách có trách nhiệm".
Trong khi đó, Đài Loan hoan nghênh tuyên bố của hai nguyên thủ Biden-Suga, trong đó Bộ Ngoại giao nước này bày tỏ "lòng biết ơn chân thành" về việc "công nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực bên kia eo biển Đài Loan".
"Đài Loan, nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi đảo thứ nhất, tiếp tục đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và cũng có chung cảm nhận với các nước trong khu vực trước các mối đe dọa và xâm lược trên bộ, hàng hải và hàng không", Bộ này cho biết.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày 16 tháng 4 - Ảnh: AP
Tuyên bố Mỹ-Nhật quan ngại về Đài Loan, Hoa Đông, Biển Đông
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào thứ Sáu (16/4), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố đề cập đến Đài Loan, nói rằng: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển".
Lần cuối cùng Nhật Bản và Hoa Kỳ đề cập đến hòn đảo trong một tuyên bố như vậy là vào năm 1969 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Sato Eisaku và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon. Điều này xảy ra trước khi cả hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào những năm 1970.
Cả Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden "chia sẻ mối quan ngại của họ về các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bao gồm việc sử dụng các hình thức cưỡng bức kinh tế và các hình thức khác", tuyên bố cho biết.
"Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông", tuyên bố cho biết, đề cập rõ ràng đến quần đảo Senkaku không có người ở nằm gần Đài Loan. Các hòn đảo nhỏ này, được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc, do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu vào vùng biển gần đó.
Tuyên bố chung Mỹ-Nhật cũng đề cập đến những tuyên bố ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với nhiều khu vực ở Biển Đông. "Chúng tôi nhắc lại sự phản đối của chúng tôi đối với các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định lợi ích chung mạnh mẽ của chúng tôi đối với một Biển Đông tự do và rộng mở được quản lý bởi luật pháp quốc tế", tuyên bố cho biết.