Trung Quốc chịu nhiều áp lực hơn từ Mỹ dưới thời Tổng thống Biden

Các chuyên gia nhận định cách tiếp cận Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden tạo nhiều sức ép cho Bắc Kinh hơn người tiền nhiệm Donald Trump.

Thứ trưởng Wendy Sherman trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 26/7. Ảnh: AP

Thứ trưởng Wendy Sherman trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 26/7. Ảnh: AP

Ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã gặp gỡ các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc tại thành phố cảng Thiên Tân. Trước thềm chuyến thăm của bà Wendy Sherman, các quan chức Mỹ tiết lộ mục đích vòng thảo luận là tạo “lan can” quanh mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng rạn nứt và “giữ cho các kênh liên lạc thông suốt”. Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp thứ hai giữa các quan chức Mỹ-Trung kể từ khi ông Joe Biden đảm nhận chức vụ Tổng thống.

Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin rằng trong trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong (Xie Feng), bà Sherman đã đề cập đến nhiều mối quan tâm của Washington với Bắc Kinh.

Thứ trưởng Sherman nói rằng chính quyền Tổng thống Biden hoan nghênh "sự cạnh tranh cứng rắn" với Trung Quốc, nhưng không muốn xung đột. Bà cũng khẳng định với phóng viên sau các cuộc họp rằng: “Chúng tôi mong các quan chức Trung Quốc hiểu rằng nhân quyền không chỉ là vấn đề nội bộ, mà là cam kết toàn cầu mà họ đã đăng ký dựa trên các quy ước của Liên hợp quốc”. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman cũng nhắc đến vấn đề Trung Quốc thiếu hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để điều tra nguồn gốc dịch COVID-19.

Những nhà ngoại giao Mỹ từng đối thoại với Trung Quốc cũng có tư duy cứng rắn tương tự bà Sherman. Tại hội nghị kéo dài hai ngày ở Alaska vào tháng 3, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì chỉ trích nền dân chủ Mỹ: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Mỹ phải thay đổi hình ảnh và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của mình ở phần còn lại của thế giới. Nhiều người Mỹ còn không mấy tin tưởng vào nền dân chủ Mỹ. Trung Quốc sẽ không chấp nhận cáo buộc không có cơ sở từ phía Mỹ”.

Lần này, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden kích động xung đột trong tương lai. Ông nói: “Cứ như thể là một khi sự phát triển của Trung Quốc bị kìm hãm, các vấn đề đối nội và đối ngoại của Mỹ sẽ được giải quyết, và nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại, và bá quyền của Mỹ được duy trì”.

Phát biểu của ông Tạ Phong dường như đã phản ánh đánh giá của Bắc Kinh rằng không có “tia sáng” trong phương pháp tiếp cận Trung Quốc của Tổng thống Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump. Trong 6 tháng đầu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với một số công ty công nghệ Trung Quốc và kéo dài các biện pháp từ thời người tiền nhiệm Trump để ngăn doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc được cho có liên quan đến quân đội. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai còn ủng hộ Australia khi nước này xích mích thương mại với Trung Quốc.

Ông Joe Biden khi giữ chức Phó Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2011. Ảnh: Kyodo

Ông Joe Biden khi giữ chức Phó Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2011. Ảnh: Kyodo

Một số nhà bình luận cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi ông Biden bước vào Nhà Trắng với Mỹ cố gắng xây dựng một mặt trận đoàn kết với các đối tác châu Âu và châu Á sau bốn năm “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump. Khi Thứ trưởng Sherman rời Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tới Ấn Độ còn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bước vào chuyến công du Đông Nam Á.

Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy đa số quốc gia ở châu Âu và châu Á có quan điểm ngày càng không đồng tình với Trung Quốc. Điều này một phần bắt nguồn từ tác động của đại dịch COVID-19.

Ông Yan Xuetong lãnh đạo Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định với New York Times: “"Chính quyền Tổng thống Biden đang cô lập Trung Quốc bằng chiến lược câu lạc bộ đa phương. Chiến lược này gây nhiều khó khăn hơn cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc và tạo áp lực nhiều hơn đối với các mối quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh so với chiến lược đơn phương của cựu Tổng thống Trump”.

Phía Trung Quốc cũng nhanh chóng có phản ứng, mô tả hành vi của Mỹ phản ánh "tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với truyền thông địa phương nêu quan điểm: “Mỹ cần nhận thấy những thay đổi, thích ứng với chúng, đồng thời suy ngẫm và sửa chữa những sai lầm của mình trong quá khứ”.

Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Nhà Trắng Kurt Campbell trong một sự kiện vào đầu tháng 7 chia sẻ: “Liệu tôi có tin rằng Trung Quốc và Mỹ có thể cùng tồn tại hòa bình không? Vâng, có thể. Nhưng tôi nghĩ rằng thử thách này sẽ rất khó khăn cho thế hệ hiện nay và thế hệ tiếp theo”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-chiu-nhieu-ap-luc-hon-tu-my-duoi-thoi-tong-thong-biden-20210727211804650.htm