Trung Quốc chọn đường đi giữa một thế giới hỗn loạn

Ông Tập Cận Bình dự báo sự ổn định khi ông dự kiến bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 với tư cách là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong một phiên họp lập pháp thường niên của Trung Quốc diễn ra đầu tháng 3 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình không đích thân đọc bất kỳ báo cáo nào và cũng không chủ trì họp báo. Song, ai cũng thấy rõ ảnh hưởng của ông tại sự kiện.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA

Tên ông Tập được nhắc đến 12 lần trong báo cáo hàng năm của chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc trước quốc hội vào ngày 5/3. Các quan chức cấp trung và cấp cao đều ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông Tập trong hầu hết các cuộc thảo luận nhóm của đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC).

Duy trì ổn định xã hội

Báo cáo của chính phủ cam kết duy trì sự ổn định xã hội cho kỳ đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc, một quá trình chuyển giao quyền lực kéo dài 5 năm sẽ diễn ra vào mùa thu này. Trong khi có nhiều thay đổi xáo trộn về các vị trí lãnh đạo cấp cao trong đảng, thì ông Tập sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 với tư cách là người đứng đầu đảng. Ông là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên như vậy trong nhiều thập kỷ.

Vào ngày 11/3, lúc tuyên bố sẽ rời ghế Thủ tướng vào năm tới, ông Lý Khắc Cường nói nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua khó khăn dưới sự lãnh đạo của đảng do ông Tập Cận Bình đứng đầu.

Cuộc chiến ở Ukraine đã phủ bóng đen lên Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh và 2 phiên họp tổ chức năm nay. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi giai đoạn này là “kỷ nguyên hỗn loạn” trên thế giới. Báo cáo công việc của chính phủ Trung Quốc ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, trong khi không đề cập đến quan hệ thương mại với Mỹ và châu Âu.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới tham gia từ cuộc họp này sang cuộc họp khác để hòa giải khủng hoảng Nga - Ukraine, ông Tập Cận Bình không mang cuộc chiến này tới các cuộc họp lập pháp. Thay vào đó, ông thận trọng thể hiện lập trường thái độ của mình trong 2 cuộc điện đàm, một với Tổng thống Nga Vladimir Putin và một với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ trích hành động của ông Putin đối với Ukraine, hay cam kết bất kỳ hành động nào ngoài viện trợ nhân đạo cho dân thường Ukraine.

Lần duy nhất Ukraine được thảo luận trong phiên họp là tại cuộc họp báo của Thủ tướng, khi ông Lý nhắc lại những điểm mà ông Tập đã phát biểu.

“Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, đối với năm nay, ông Tập muốn sự ổn định. Trên hết, Ukraine đang phủ lên cái bóng bất định về tương lai của các vấn đề quốc tế. Trực giác của ông Tập sẽ không phải là hành động và hành động một cách táo bạo, mà là quan sát”, Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington nhận định.

Những khác biệt về cuộc chiến ở Ukraine đã làm lu mờ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kỷ niệm 50 năm Thông cáo Thượng Hải lịch sử mà nước này đã ký với Mỹ. Không có quan chức đương nhiệm nào của Mỹ phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm, nơi một số quan chức cấp cao của Trung Quốc có phát biểu chúc mừng.

Nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết, khủng hoảng Nga - Ukraine cũng chi phối các cuộc trao đổi giữa giới ngoại giao Trung Quốc và các đối tác châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu ngày ¼.

Dali Yang, một nhà khoa học chính trị của đại học Chicago (Mỹ) nhấn mạnh: “Sự ổn định mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn từ môi trường quốc tế cũng liên quan đến sự ổn định mà họ muốn trong nước. Ở trong nước, nó thiên về những điều chỉnh nhỏ và các chính sách thu hẹp quy mô".

Hướng vào nội lực

Báo cáo thường niên của chính phủ Trung Quốc ưu tiên ổn định tăng trưởng trong năm 2022. Kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm của cơ quan hoạch định lớn nhất nước - Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia cũng nhấn mạnh đến việc giảm bớt gánh nặng cho khu vực tư nhân và mở rộng đầu tư nhà nước.

Ngoài ra, ông Tập đã tạo niềm tin vào ngành công nghiệp than đang suy giảm khi kêu gọi thận trọng về động lực năng lượng mới.

“Cuộc chiến ở Ukraine dự kiến gây ra những cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu và các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể muốn tránh bất kỳ sự gián đoạn nào có thể xảy ra đối với nền kinh tế đất nước”, Deng Yuwen, một cựu biên tập viên ở một tờ báo của đảng nói.

Bên cạnh sự ổn định, ông Tập cũng có một thông điệp về an ninh. Trích dẫn các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ trong năm qua, ông cảnh báo, Trung Quốc không nên hạ thấp cảnh giác trước các ca mắc nhập khẩu "trong chốc lát".

Trong một cuộc họp với các đại biểu của ngành nông nghiệp, ông Tập đã kêu gọi “ngũ cốc Trung Quốc lấp đầy bát Trung Quốc” và cảnh báo không nên “dựa vào thị trường quốc tế” để cung cấp thực phẩm cho đất nước.

Hiện có cảm giác Bắc Kinh đang hướng nội và coi tự lực là sức mạnh, khi các quan chức ca ngợi thành tựu kinh tế của Trung Quốc vào năm ngoái, đồng thời lên án Washington và các đồng minh “ngăn chặn và kiềm chế".

Để thúc đẩy quan điểm hướng nội, vốn luôn có tác dụng đối với Trung Quốc, Chủ tịch NPC Lật Chiến Thư đã đề cập đến “thấp điểm của chủ nghĩa xã hội” vào cuối Chiến tranh lạnh. Ông nói với các nhà lập pháp tỉnh Giang Tây ngày 5/3 rằng: "Khi Liên Xô tan rã và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội rơi xuống thấp điểm. Đồng chí Đặng Tiểu Bình sau đó đã nói 'lối thoát duy nhất là chúng ta không lay chuyển’ và chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc sẽ chứng minh là bất khả chiến bại”.

Ông Lật lưu ý thêm, thành tựu kinh tế của Trung Quốc những năm gần đây đã góp phần tạo nên xu hướng không thể đảo ngược của chủ nghĩa xã hội trên trường quốc tế.

Chủ tịch Tập cũng cho thấy dấu hiệu tin tưởng mạnh mẽ tương tự khi ông ca ngợi sự tương phản giữa việc “quản lý trật tự của Trung Quốc với sự hỗn loạn của phương Tây” trong một cuộc thảo luận nhóm với các đại biểu Nội Mông.

Các quan chức cấp cao đã bỏ phiếu tín nhiệm cá nhân ông Tập khi họ đề cập đến "hai cơ sở" trong các cuộc thảo luận chính sách thường xuyên.

“Hai cơ sở này - thiết lập địa vị của ông Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc 'nòng cốt' và thiết lập học thuyết chính trị của ông - đã được ghi trong Hiến pháp nước này năm 2018. Trong mắt ông Tập, quyền lãnh đạo của ông cũng là một chất ổn định mạnh mẽ cho mọi vấn đề", cựu biên tập viên Deng Yuwen nhận định.

"Tiến bước trong cuộc tuần hành mới trong thế kỷ thứ hai và đạt được sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc không thể thực hiện được nếu không có Tổng bí thư Tập Cận Bình làm nòng cốt”, ông Arken Imirbaki, quan chức cấp cao người Duy Ngô Nhĩ đang giữ chức Phó chủ tịch NPC tuyên bố hôm 5/3 khi đề cập đến lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2049.

Quỳnh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-chon-duong-di-giua-mot-the-gioi-hon-loan-2008449.html