Trung Quốc: Chưa giảm được áp lực bài tập cho học sinh
Mặc dù đã có những biện pháp nhưng áp lực học tập dường như vẫn đè nặng lên HS Trung Quốc.
Việc thực hiện không nhất quán các quy định có thể khiến nỗ lực giảm gánh nặng cho HS thất bại và tạo ra khoảng cách lớn trong trình độ của HS.
Những quy định về giảm tải
Cô Ye Ting rất xúc động khi biết trường học của con gái sẽ giới hạn số lượng bài tập về nhà từ đầu học kỳ mùa xuân để HS có thể hoàn thành ngay tại trường. Tuy nhiên, sự vui mừng của cô không kéo dài được bao lâu. “Bài tập viết có thể hoàn hành tại trường, nhưng vẫn cần phải luyện đọc, luyện nghe, viết chính tả cũng như ôn lại bài cũ và xem trước bài mới của ngày hôm sau… tất cả đều cần cha mẹ tham gia và thực hiện tại nhà”, cô nói.
Giống như nhiều phụ huynh khác ở Bắc Kinh, cô Ye Ting cũng đăng ký cho con gái tham gia các lớp ngoại khóa sau giờ học. Mỗi tuần, bé tham gia 2 buổi tiếng Anh, 1 buổi học múa và 1 buổi học vẽ, mỗi buổi kéo dài 2 giờ. Là HS lớp 1 ở Tây Thành (Bắc Kinh), mặc dù ngày học kết thúc lúc 3 giờ chiều nhưng con gái cô Ye Ting đi ngủ vào khoảng 10 giờ tối vào các ngày học vì còn phải hoàn thành các “bài tập nói” và các bài học thêm.
Tại một hội nghị công tác GD thường niên, Bộ trưởng GD Trung Quốc Trần Bảo Sinh cho biết, một trong những nhiệm vụ chính của Bộ trong năm nay là hạn chế lượng bài tập về nhà đối với HS tiểu học và trung học, đồng thời đảm bảo các em có thể ngủ đủ giấc để phát triển khỏe mạnh. HS tiểu học nên hoàn thành bài tập ở trường; còn bài tập của HS trung học không nên vượt quá chương trình giảng dạy.
Trong khi đó Trưởng phòng GD cơ bản Lyu Yugang của Bộ GD cho biết, các trường nên điều phối bài tập về nhà để đảm bảo chúng không quá khó đối với HS và các lớp khác nhau đều phải có bài tập về nhà giống nhau. GV tiếng Anh Zhou Xi tại một trường trung học cơ sở ở Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam cho biết nhà trường đã tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu mới của Bộ.
Kể từ học kỳ này, chỉ GV dạy các môn chính như Tiếng Trung, Toán và Tiếng Anh mới được giao bài tập về nhà để các em có thể làm trong thời gian dưới nửa tiếng mỗi ngày. GV các môn khác cần đảm bảo HS có thể hoàn thành bài tập ngay trong giờ học, ông Lyu Yugang cho biết.
Hồi tháng 2 vừa qua, ông Yugang kêu gọi phụ huynh không nên đặt áp lực học tập quá nặng nề lên con em mình. “Tôi nhắc các bạn nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe về thể chất và tâm thần của con em mình. Hãy sắp xếp việc học tập, cuộc sống và hoạt động thể thao cho các em một cách khoa học và phù hợp để chúng có thể lớn lên khỏe mạnh, phát triển toàn diện”.
Lo sợ bị tụt hậu
Theo GV Zhou Xi, quy tắc mới trên đây ban đầu giành được sự đồng tình mạnh mẽ của HS vì rất ít em muốn dành nhiều thời gian để làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, nhiều HS bắt đầu lo rằng, mình có thể bị tụt hậu nên đã tự làm thêm bài tập hoặc đến các lớp học thêm.
Phó Viện trưởng Xiong Bingqi của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Bắc Kinh cho biết, chìa khóa để đảm bảo ngủ đủ giấc cho HS và giảm gánh nặng học tập là cải cách hệ thống GD theo định hướng thi cử. Chừng nào kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông (zhongkao) và kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao) vẫn là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất đối với HS, các em không có lựa chọn nào khác ngoài việc học thêm và cạnh tranh với nhau về mặt học tập.
Zhang Xiu – mẹ của một HS lớp 6 ở quận Phong Đài, Bắc Kinh - cho biết, trường học của con gái cô không giao nhiều bài tập về nhà cho HS và đây cũng không phải là một trong những trường có tiếng. Một người hàng xóm của cô cũng có con gái học trường này nhưng đã chuyển trường khác vì cảm thấy con mình bị tụt hậu khi học ở đây.
Cô Zhang Xiu cho biết do con gái cô sẽ vào được cấp 2 mà không cần tham gia bất kỳ kỳ thi tuyển sinh nào nên cô không cảm thấy áp lực trong việc buộc con phải học quá vất vả trong lúc này. “Tôi không muốn khiến bé phải lo lắng để phải đạt điểm cao, nhưng đôi khi tôi tự hỏi liệu mình đúng không khi không thúc ép con mình học nhiều hơn nữa, vì bé vẫn phải học nhiều khi ôn thi vào trung học phổ thông và thi đại học” – cô Zhang Xiu nói – “Tôi cảm thấy mình đơn giản là trì hoãn kỳ thi này”.
Bộ GD Trung Quốc đã đưa ra quy định giảm áp lực học tập cho HS từ năm 2018 nhưng phần lớn các trường trên cả nước đều phớt lờ. Mới đây, Phòng GD tỉnh Sơn Tây lại tăng cường thêm quy định này. Theo đó, cấm các trường giao bài tập viết về nhà cho HS lớp 1 và 2 (6 - 8 tuổi), trường học cũng không được phép cho HS lớp 3 đến lớp 6 (8 - 12 tuổi) làm bài tập về nhà nhiều hơn một giờ mỗi ngày và HS lớp 7 - 9 (12 - 15 tuổi) chỉ làm bài tập về nhà trong thời gian tối đa là 90 phút.
Quy định ở Sơn Tây gặp phải nhiều lời chỉ trích vì nó sẽ khiến cho HS gặp bất lợi khi phải đối mặt với các kỳ thi quốc gia khắc nghiệt. Trên mạng xã hội Weibo, chủ đề này đã thu hút 60 triệu lượt xem. Một người bình luận rằng “phụ huynh lười sẽ theo yêu cầu của GV và theo tốc độ giảng dạy của trường. Trong khi đó phụ huynh tham vọng về con mình sẽ thúc các em bí mật học thêm ở nhà. Như vậy, sẽ có một khoảng cách lớn giữa 2 nhóm HS”.
Yêu cầu của Bộ GD Trung Quốc cho rằng HS tiểu học phải ngủ ít nhất 10 giờ, trong khi đó nhà trường và gia đình cần phối hợp để đảm bảo HS ngủ đủ 9 tiếng cho HS THCS. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2018 dựa trên cuộc khảo sát đối với 572.314 HS lớp 4 và lớp 8 cho thấy chỉ 30% HS lớp 4 ngủ hơn 10 giờ và chỉ 16,6% HS lớp 8 ngủ 9 giờ. Báo cáo cũng cho thấy HS phải chịu áp lực học tập lớn, với hơn 50% HS lớp 8 dành hơn nửa giờ để làm bài tập toán và 45,5% phải làm bài tập tiếng Trung hơn nửa giờ mỗi ngày.