Trung Quốc chưa mở tour đến Việt Nam: Đừng quá lo!
Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xúc tiến sớm việc trao đổi với phía Trung Quốc nhằm kết nối lại du lịch 2 nước
Thông tin Trung Quốc vừa thông báo nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài với 20 nước, trong đó không có Việt Nam khiến nhiều kế hoạch, hợp đồng của một số doanh nghiệp phải tạm gác lại, nhưng không phải vì thế mà quá lo lắng.
Sẽ tăng tốc vào mùa hè
Tại Khánh Hòa, dịp Tết Quý Mão 2023, TP Nha Trang đón hàng trăm khách đến từ Trung Quốc và dự kiến đến ngày 26-3 sẽ mở nhiều chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến địa phương này. Ông Lê Dũng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Phú - đơn vị quản lý Khu Du lịch Đảo khỉ - Suối Hoa Lan và tour tham quan liên tỉnh ở Khánh Hòa, cho biết thực sự đây là một cú sốc cho các đơn vị du lịch từ nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải, các điểm tham quan du lịch, kể cả những điểm buôn bán dịch vụ.
Theo ông Lâm, hiện nay, du lịch trong nước đang trong giai đoạn trầm lắng nên rất trông chờ vào thị trường quốc tế. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc có mức chi tiêu không cao, lượng khách Nga thì đang "nhỏ giọt". Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, mức chi tiêu cao nên các đơn vị du lịch rất mong đợi vào lượng khách này. Nhiều đơn vị ký kết các hợp đồng lưu trú, bố trí nhân viên để chuẩn bị đón khách bây giờ đang khá lo lắng. "Cũng mong thời gian tới, Chính phủ, các bộ - ngành có hướng tháo gỡ để xúc tiến thị trường này" - ông Lâm nói.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, năm 2019, tỉnh này đón tới 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú, trong đó khách Trung Quốc chiếm 70%, còn lại là Nga và các nước khác. Hiện nay, khách sạn tại Nha Trang mới mở lại được khoảng 10% bởi vắng bóng khách quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-2, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, cho biết Trung Quốc là hướng đi được kỳ vọng góp phần phục hồi hoạt động du lịch và hàng không của tập đoàn. Ngay từ đầu năm 2023, Vietravel đã đẩy mạnh xúc tiến khách Trung Quốc trở lại với tín hiệu rất tốt.
"Mọi kế hoạch chuẩn bị đón khách Trung Quốc đang phải tạm gác sau thông tin Việt Nam không có tên trong danh sách 20 nước nối lại hoạt động du lịch. Kỳ vọng phục hồi khách Trung Quốc cũng được DN dời sang tháng 4-2023 và tăng tốc từ mùa hè tới với điều kiện nối lại hoạt động du lịch giữa 2 nước. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ - ngành sớm có hướng giải quyết, thúc đẩy hoạt động du lịch với Trung Quốc để tránh mất cơ hội từ nguồn khách này" - ông Kỳ nói.
Trong bức tranh kinh tế năm 2023, nhiều tổ chức tài chính cũng nhận định việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại, trong đó có ngành du lịch, có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm.
Ông Michael Kokalari, CFA, chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Đầu tư Vincapital, kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023 và số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Việt Nam đã tăng từ khoảng 20% so với mức trước COVID-19 vào năm 2022 lên 50% vào năm nay. Khách du lịch Trung Quốc trước đây chiếm 1/3 tổng số khách du lịch của Việt Nam, nếu phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023 sẽ tương đương lượng khách du lịch tăng thêm khoảng 20%...
Tại báo cáo về du lịch của Ngân hàng HSBC mới đây, các chuyên gia của ngân hàng này nhận định với tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (chiếm 30% tổng khách quốc tế đến trước COVID-19), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" từ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỉ lệ trở lại của du khách Trung Quốc tới Việt Nam có thể đạt 50%-80% so với mức trước đại dịch (3 triệu đến 4,5 triệu).
Tại Đà Nẵng, bà Trần Thị Tâm - chủ một nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc trên đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà - cho biết lượng khách Trung Quốc đến nhà hàng rất ít. Khách Trung Quốc muốn đi diện cá nhân sang Việt Nam cũng khó vì chính sách visa chưa thông thoáng. Bà Tâm kiến nghị Tổng cục Du lịch cần có động thái để sớm kết nối với phía Trung Quốc, mở cửa lại lưu thông du lịch giữa 2 nước.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng nguồn khách
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay khách Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng. Năm 2019, Đà Nẵng đón gần 1 triệu khách Trung Quốc. Năm nay, năng lực của Đà Nẵng có thể đón bằng hoặc hơn số lượng khách của năm 2019. Tuy nhiên, Đà Nẵng chưa mở lại các chuyến bay thường lệ đến Trung Quốc. Dự kiến trong tháng 4-2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay Đà Nẵng đi Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn trong tư thế sẵn sàng đón khách Trung Quốc, từ nhân lực, cơ sở vật chất đến dịch vụ. "Việc cần thiết nhất lúc này là Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xúc tiến sớm việc trao đổi với phía Trung Quốc nhằm kết nối lại du lịch của 2 nước. Chỉ cần 2 bên đồng ý là các doanh nghiệp sẵn sàng đón khách" - ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang - cho hay qua làm việc với các đơn vị lữ hành Trung Quốc, họ cho biết đã nắm trước các thông tin này và có kế hoạch triển khai du lịch Việt Nam vào cuối tháng 3-2023. Các công ty lữ hành Trung Quốc đang hướng đến điểm đến an toàn mới triển khai, thị trường đó phải phục vụ khách chu đáo. Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là điểm đến được yêu thích.
"Chúng ta không nên quá lo lắng, mà cần thời gian, sự chuẩn bị chuyên nghiệp nhất, an toàn nhất để đón khách Trung Quốc" - ông Nhựt nêu quan điểm.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho rằng trong mùa thấp điểm của ngành du lịch Việt Nam hiện nay, đón khách Trung Quốc có thể là cơ hội giúp ngành và các DN phục hồi nhanh. Dù vậy, đối với thị trường khách Trung Quốc, cần sự định hướng rõ ràng và "nắn dòng" để hướng tới những đối tượng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Đặc biệt, cùng với việc đón khách Trung Quốc, ngành du lịch cần có giải pháp cụ thể để cân bằng các thị trường khách trọng điểm, truyền thống như khách châu Âu, châu Mỹ. Đa dạng thị trường khách quốc tế đến sẽ góp phần giúp ngành du lịch phát triển bền vững.
Nối lại 5 đường bay tới Trung Quốc
Vietnam Airlines cho biết sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng 9 trên 10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cụ thể, từ tháng 3, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay /tuần; tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP HCM với Quảng Châu và Thượng Hải - mỗi đường bay sẽ khai thác 4 chuyến bay một tuần. Từ tháng 9-2023, hãng có kế hoạch đưa máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP HCM và Thượng Hải. Trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19, năm 2019, Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỉ trọng 19% tổng số lượng khách của hãng và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.