Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất của thương chiến

Trung Quốc đang có những chuyển động chính sách và định hướng phát triển kinh tế để ứng phó với kịch bản xấu nhất của chiến tranh thương mại, đặc biệt là trong trường hợp các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

 Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế thêm 5% với 550 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Ảnh: Reuters

Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế thêm 5% với 550 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Ảnh: Reuters

Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có hai quyết định chiến lược có thể tái định hình bức tranh kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ tới khi các rủi ro do tách rời nền kinh tế Mỹ tiếp tục gia tăng.

Hai quyết định chiến lược này được đưa ra sau cuộc họp Ủy ban Các vấn đề Kinh tế và Tài chính trung ương Trung Quốc (CFEAC) dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình hôm 26-8.

Thứ nhất, thông báo của cuộc họp cho biết, Trung Quốc nên tập trung vào các nỗ lực phát triển hoạt động kinh tế ở “các thành phố trung ương và các cụm thành phố”. Đây là một sự thay đổi lớn so với quan điểm truyền thống là phải phân phối sự phát triển đồng đều khắp các thành phố lớn và nhỏ.

Ông Tập cũng kêu gọi tiến hành nâng cấp mạng lưới chuỗi cung ứng công nghiệp của trung Quốc để thúc đẩy các chuỗi giá trị hiệu quả, an toàn, có thể kiểm soát, tự chủ.

“Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và là nước duy nhất sở hữu tất cả các ngành công nghiệp. Sự hợp tác sản xuất, công nghệ giữa các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn là điều cần thiết để xây dựng các chuỗi cung ứng công nghiệp giá trị gia tăng cao”, thông báo của CFEAC nhấn mạnh.

Thông báo trên trên không đề cập trực tiếp đến Mỹ hay chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, cuộc họp của CFEAC hôm 26-8 có thể là bước đi ứng phó tình hình căng thẳng mới với Mỹ, vì chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các doanh nghiệp tìm các phương án thay thế thị trường Trung Quốc, một động thái có thể đe dọa vị thế Trung Quốc trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu.

Giới phân tích cho rằng, cuộc họp với sự tham dự của 3 ủy viên khác trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trưởng ban lãnh đạo công tác tư tưởng trung ương Vương Hỗ Ninh và Phó Thủ tướng Hàn Chính, cho thấy bộ máy lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về cách chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng ở chi nhánh Ngân hàng Standard Chartered tại Hồng Kông, nhận định: “Trung Quốc bị đẩy vào tình thế phải dàn xếp ứng phó kịch bản tồi tệ nhất”.

“Việc Mỹ tuyên bố tăng thuế vào cuối tuần trước đã củng cố quan điểm của Trung Quốc rằng ông Trump không đáng tin cậy và cho thấy tính khẩn cấp để chống lại các nguy cơ tăng thuế vào hàng hóa Trung Quốc”, Ding Shuang nói.

Ông cũng nói thêm rằng hệ thống chính trị tập trung cho phép nước này có lợi thế trong việc hoạch định phương án ứng phó thương chiến chẳng hạn huy động các nguồn lực và hoạch định kinh tế dài hạn.

Theo thông báo từ cuộc họp của CFEAC, Trung Quốc “phải tận dụng lợi thế thể chế để tập trung các nguồn lực cho các nhiệm vụ lớn”.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở Ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng quyết định tập trung phát triển kinh tế ở các thành phố lớn là lối suy nghĩ mới của giới lãnh đạo Trung Quốc. “Điều này khác với quan điểm phổ biến trong thập kỷ qua nhấn mạnh đến vai trò của các thành phố nhỏ và cấp thấp ở vùng phía Tây đất nước”, ông nói.

Theo Robin Xing, tập trung phát triển ở các thành phố lớn sẽ thúc đẩy tiềm năng tiêu dùng và tạo ra dư địa lớn hơn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới viễn thông 5G và logistics.

Trung Quốc cũng đang thiết kế các phương án thúc đẩy tiêu dùng của tầng lớp trung lưu nhằm ổn định nền kinh tế sau khi tăng trưởng GDP rơi về mức 6,2% trong quí 2-2019, mức thấp nhất trong 27 năm qua.

Hôm 27-8, Quốc Vụ viện Trung Quốc thông báo danh sách 20 biện pháp cải thiện sức tiêu dùng trong nước bao gồm khuyến khích phát triển chợ đêm, phố đi bộ, thương mai điện tử, chuyển đổi các sân vận động và các nhà máy cũ thành các khu mua sắm và giải trí, thúc đẩy sự phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi, nới lỏng hạn chế sở hữu ô tô ở các thành phố lớn...

Cùng ngày, hãng tin Bloomberg dẫn lời các quan chức Trung Quốc nói rằng cách tiếp cận của nước này đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay là “vừa đánh, vừa đàm”, tức sử dụng biện pháp đáp trả các đòn thuế của Mỹ để thúc đẩy đàm phán. Họ đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại bao gồm các chính sách kích thích kinh tế và các biện pháp trả đũa Mỹ chẳng hạn đưa các công ty Mỹ vào danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy.

Donald Straszheim, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của công ty Evercore ISI, nhận định quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức thấp mới. Ông cho rằng cả hai bên vẫn còn những “lằn ranh đỏ” xung khắc nhau bao gồm vấn đề chuyển giao công nghệ, mở rộng tiếp cận thị trường, tiền tệ và cơ chế thực thi thỏa thuận thương mại.

“Chúng tôi không kỳ vọng một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ đạt được trong năm 2019. Hãy nhớ rằng một thỏa thuận không phải là một thỏa thuận cho đến khi mọi điều khoản được nhất trí”.

Theo SCMP, Bloomberg, CNBC

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293456/trung-quoc-chuan-bi-cho-kich-ban-xau-nhat-cua-thuong-chien.html