Trung Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ không quân sát lãnh thổ Mỹ?
Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp một đường băng và một cây cầu trên quần đảo Kiribati, cách Hawaii 3.000 km về phía tây nam, nhằm khôi phục lại một căn cứ từng là điểm đồn trú của máy bay quân sự của Mỹ và đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chưa công bố thông tin chính thức về như quy mô, tầm mức của hoạt động đầu tư, xây dựng, nhưng kế hoạch này có điểm nhấn là thiết lập, nâng cấp đường băng trên hòn đảo Kanton, một đảo san hô có vị trí chiến lược, án ngữ tuyến đường biển giữa châu Á và châu Mỹ.
Tại Kiribati, nghị sĩ đối lập Tessie Lambourne đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự án này, đưa ra yêu cầu cần làm rõ liệu dự án này có là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hay không. Văn phòng Tổng thống Taneti Maamau và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không đưa ra câu trả lời trước đề nghị của Reuters muốn xác minh thông tin.
Là một quốc đảo nhỏ bé, nhưng Kiribati, với dân số chỉ khoảng 120.000 dân, kiểm soát một trong những vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới, rộng trên 3,5 triệu km2 ở Thái Bình Dương. Đây cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có lãnh thổ trải dài trên bốn bán cầu.
Bất kỳ hoạt động xây dựng nào ở đảo Kanton đều giúp Trung Quốc thiết lập được hiện diện quan trọng tại vùng lãnh thổ trước đây từng là căn cứ của Mỹ và đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. “Kanton sẽ là một tàu sân bay cố định” của Trung Quốc, một cố vấn cấp cao trong chính quyền một đảo quốc ở Thái Bình Dương chia sẻ.
Về mặt tác chiến quân sự, khoảng cách 3.000 km giữa Kanton với Hawaii không phải là quá xa. Đơn cử, mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 do Trung Quốc tự nghiên cứu, phát triển có tầm bay lên tới hơn 5.900 km, đồng ngiã với việc Hawaii nằm trong vòng bán kính tác chiến của J-20 mà không cần tiếp liệu.
Kết hợp với tên lửa tầm xa, hiện diện quân sự tại đảo Kanton giúp lực lượng Trung Quốc tăng cường khả năng tấn công nhằm vào Hawaii và thậm chí là một số khu vực ở bờ Tây nước Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai cường quốc.
Kiribati trong vài năm trở lại đây nổi lên là tâm điểm của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc với Mỹ cùng một số đồng minh ở Thái Bình Dương. Cuối năm 2019, đảo quốc này quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan/Trung Quốc trong một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Bắc Kinh. Đây là quyết định của Tổng thống Maamau, người sau đó tiếp tục thắng cử sát sao trong kỳ bầu cử tháng 6/2020 dựa trên cương lĩnh ưu tiên hợp tác với Trung Quốc.