Trung Quốc có thắng nổi Mỹ trong cuộc chiến công nghệ?

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù nổi lên mạnh mẽ như một cường quốc công nghệ nhưng Trung Quốc không dễ gì có thể soán được ngôi vị của Mỹ.

Trang TomDispatch lập luận, dưới thời ông Trump, Mỹ đang thua Trung Quốc ở hai lĩnh vực quan trọng, mà như chính Giám đốc FBI Christopher Wray từng thừa nhận: "Về mặt kinh tế và kỹ thuật, [Trung Quốc] đã là một đối thủ ngang ngửa với Mỹ... trong một kiểu rất khác của thế giới [toàn cầu hóa]". Nói cách khác, Trung Quốc đang nổi lên còn Mỹ đang chìm dần.

TomDispatch cho rằng, thực tế này không phải chỉ do Tổng thống Trump cùng các đồng minh của ông, mà nó đã bén rễ từ lâu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau khi ký thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1" tại Nhà Trắng ngày 15/1/2020. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau khi ký thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1" tại Nhà Trắng ngày 15/1/2020. Ảnh: Reuters

Trung Quốc bứt tốc

Gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu 2008-2009, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào tháng 8/2010. Năm 2012, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 3,87 nghìn tỷ USD, Trung Quốc vượt qua tổng số 3,82 nghìn tỷ USD của Mỹ. Đến cuối năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, tính theo sức mua tương đương, là 17,6 nghìn tỷ USD, cao hơn so với 17,4 nghìn tỷ USD của Mỹ.

Tháng 5/2015, Trung Quốc ban hành kế hoạch Made in China 2025 nhằm phát triển nhanh chóng 10 ngành công nghệ cao, bao gồm ô tô điện, công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, viễn thông, robot tiên tiến, và trí tuệ nhân tạo.

Các lĩnh vực then chốt khác được đề cập trong kế hoạch bao gồm công nghệ nông nghiệp, kỹ thuật hàng không vũ trụ, phát triển vật liệu tổng hợp mới, lĩnh vực y sinh học mới nổi và cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao. Kế hoạch này nhằm đạt được 70% khả năng tự cung cấp trong các ngành công nghệ cao và vị trí thống lĩnh trên các thị trường toàn cầu vào năm 2049.

Chất bán dẫn rất quan trọng đối với tất cả các sản phẩm điện tử. Năm 2014, các hướng dẫn phát triển ngành công nghiệp vi mạch tích hợp quốc gia của chính phủ đã đặt ra mục tiêu: Trung Quốc sẽ trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về chất bán dẫn vào năm 2030.

Năm 2018, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đi từ thử nghiệm và đóng gói bao bì silicon cơ bản lên thiết kế và sản xuất chip giá trị cao hơn. Trong năm tiếp theo, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ phải thừa nhận nước này dẫn đầu thế giới với gần một nửa thị phần toàn cầu, song Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa chính đối với vị thế của Washington vì các khoản đầu tư khổng lồ của nhà nước vào sản xuất thương mại và nghiên cứu khoa học.

Năm 2019, lần đầu tiên kể từ khi số liệu về các bằng sáng chế được tổng hợp vào năm 1978, Mỹ đã không còn giữ được ngôi vị nộp số lượng lớn nhất những bằng này. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Trung Quốc đã nộp đơn cho 58.990 bằng sáng chế còn Mỹ là 57.840.

Trong số các cơ sở giáo dục, Đại học California duy trì thứ hạng hàng đầu với 470 đơn đăng ký được công bố. Tuy nhiên, Đại học Thanh Hoa vươn lên thứ hai với 265. Trong 5 trường đại học hàng đầu thế giới, ba trường là của Trung Quốc.

Cuộc đua sát sườn

Đến năm 2019, các "thủ lĩnh" trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng ở Mỹ có tên Google, Apple, Amazon và Microsoft; Ở Trung Quốc là Alibaba (do Jack Ma thành lập), Tencent (Tengxun theo tiếng Trung), Xiaomi và Baidu.

Trong số các công ty Mỹ, Microsoft được thành lập vào năm 1975, Apple năm 1976, Amazon năm 1994 và Google vào tháng 9/1998. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đầu tiên, Tencent, được thành lập sau Google 2 tháng, tiếp đến là Alibaba vào năm 1999, Baidu vào năm 2000, và Xiaomi nhà sản xuất phần cứng - vào năm 2010.

Năm 1996, Trung Quốc thành lập một khu phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Thâm Quyến. Từ năm 2002 trở đi, nước này bắt đầu thu hút các tập đoàn đa quốc gia phương Tây muốn tận dụng các điều khoản miễn thuế và nhân công có trình độ giá rẻ.

Đến 2008, các công ty nước ngoài như vậy chiếm 85% lượng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc. Năm 2006, Chính phủ Trung Quốc ban hành một tài liệu chính sách liệt kê 20 dự án lớn trong công nghệ nano, vi mạch chung cao cấp, máy bay, công nghệ sinh học và các dược phẩm mới.

Tháng 1/2000, chưa đến 2% người Trung Quốc sử dụng Internet. Để phục vụ cho thị trường này, Robin Li và Eric Xu đã thành lập Baidu. Đến năm 2009, trong cuộc cạnh tranh với Google Trung Quốc, Baidu đã giành được gấp đôi thị phần của đối thủ Mỹ khi mức độ thâm nhập Internet vọt lên 29%.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, một số lượng đáng kể các kỹ sư và doanh nhân Trung Quốc trở về từ Thung lũng Silicon đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển "như nấm" của các công ty công nghệ cao ở thị trường Trung Quốc rộng lớn. Các công ty này ngày càng tách biệt khỏi các tập đoàn Mỹ và phương Tây khác.

Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, chính phủ của ông đã phát động chiến dịch thúc đẩy "tinh thần kinh doanh đại chúng và đổi mới hàng loạt", bằng cách sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm do nhà nước hậu thuẫn.

Tính đến giữa năm 2019, Trung Quốc có 206 công ty khởi nghiệp do tư nhân tổ chức trị giá hơn 1 tỷ USD, vượt qua Mỹ (203).

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 7/7/2020. Ảnh: BI

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 7/7/2020. Ảnh: BI

Không dễ được soán ngôi vị của Mỹ

TomDispatch kết luận, dù người Mỹ biết hay không thì thế kỷ của nước Mỹ đã trôi qua.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng, dù Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ như một cường quốc công nghệ nhưng không dễ gì có thể soán được ngôi vị của Mỹ. Cường quốc số 1 thế giới vẫn chiếm thế thượng phong nhờ tiềm lực kinh tế dồi dào, đặc biệt quy tụ nhiều nhân tài hàng đầu thế giới và đa số các công ty phần mềm lớn đều có trụ sở tại Mỹ.

Trung Quốc đã công khai tham vọng đi đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) bằng những kế hoạch cụ thể "Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025" hay "Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035". Nhưng, theo một báo cáo mới đây của tập đoàn Citi về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này ở 48 nền kinh tế, Mỹ vẫn dẫn đầu ở khoảng cách tương đối an toàn. Các nước còn lại sẽ đối mặt với "khó khăn nghiêm trọng trong đuổi kịp Mỹ về công nghệ AI giai đoạn 2020-2030".

Michael Brown thuộc Viện Brookings khẳng định, Trung Quốc hiện nay vẫn đi sau Mỹ trong lĩnh vực quan trọng là chất bán dẫn và động cơ máy bay. Giới chuyên gia cũng cho rằng, Mỹ còn có thể dựa vào liên minh với các nước và tái định hình chính sách đối nội để nâng cao cạnh tranh.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-co-thang-noi-my-trong-cuoc-chien-cong-nghe-669687.html