Trung Quốc có thể có vắc-xin ngừa COVID-19 đầu năm tới
Trung Quốc dự kiến trong tháng 9 tới sẽ đưa vào sử dụng vắc-xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) cho các trường hợp khẩn cấp và dùng cho cộng đồng vào đầu năm sau.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trả lời phỏng vấn đài China Global Television Network, ông Gao Fu – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc – ngày 23/4 cho biết các loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2 hoặc 3 có thể được sử dụng trong trường hợp xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 2 hoặc cho các một số nhóm đối tượng đặc biệt, ví dụ như các nhân viên y tế.
Ba loại vắc-xin của Trung Quốc được cấp phép thử nghiệm lâm sàng đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên. Đầu tháng 4, các loại vắc-xin này đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai, với sự tham gia của trên 1.000 tình nguyện viên. Ba loại vắc-xin bao gồm vắc-xin Adenovirus-vector do Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh phối hợp với công ty sinh học Cansino phát triển, và hai loại vắc-xin của Viện Sinh học Vũ Hán và Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinova.
“Chúng tôi có thể dùng vắc-xin cho những người khỏe mạnh vào đầu năm sau”, ông Gao nhấn mạnh khả năng này phụ thuộc vào quá trình phát triển vắc-xin.
Đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc đưa ra khung thời gian cụ thể cho quá trình phát triển một loại vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ cho rằng Mỹ có thể mất ít nhất một năm mới có vắc-xin được đưa vào sử dụng, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thời gian này có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan trên toàn cầu, với ít nhất 2,8 triệu người mắc bệnh, trong đó gần 200.000 ca tử vong, giới khoa học đang chạy đua để tìm ra một loại vắc-xin đối phó với bệnh dịch.
Theo WHO, tính đến ngày 23/4, 6 “ứng viên” vắc-xin đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong khi 77 loại khác đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Ngày 23/4, vắc-xin ngừa COVID-19 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển đã bắt đầu được thử nghiệm trên người. Hai tình nguyện viên người Anh đã được tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên. Loại vắc-xin này được bào chế dựa trên công nghệ dùng để phát triển vắc-xin ngừa Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Các nhà khoa học tại Đại học Oxford tuyên bố mục tiêu của họ là chế tạo khoảng 1 triệu liều vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 vào tháng 9 tới.