Trung Quốc có thể tiêu tốn 1,5% GDP để xét nghiệm Covid-19 hàng loạt
Nhiều địa phương ở Trung Quốc đã coi xét nghiệm thường xuyên như một 'bí kíp' để chặn đứng Covid-19. Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến Trung Quốc tiêu tốn khoảng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức gần 260 tỉ USD.
Trong thông báo vừa công bố, chính quyền tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc đã yêu cầu người dân khi vào các địa điểm và tham gia các hoạt động đông người phải chịu sự kiểm tra chứng nhận xét nghiệm axit nucleic trong vòng 7 ngày hoặc 48h bắt đầu từ hôm nay (5/5), nhằm “đối phó hiệu quả với nguy cơ lây truyền của biến thể Omicron”.
Đi kèm với thông báo này là quyết định sẽ miễn phí xét nghiệm cho toàn bộ người dân kể từ ngày 4/5. Được biết, tỉnh Sơn Đông có hơn 100 triệu dân và đây là địa phương cấp tỉnh mới nhất tuyên bố miễn phí xét nghiệm cho người dân ở Trung Quốc.
Trước đó, hàng loạt các thành phố, như Thượng Hải, Hàng Châu, Bắc Kinh và gần đây nhất là Đại Liên, Trịnh Châu... đã thông báo sẽ xét nghiệm đại trà thường xuyên đối với cư dân. Cách làm này được ông Đào Xuyên (Tao Chuan), nhà phân tích vĩ mô của Công ty tư vấn tài chính - chứng khoán Soochow đưa ra trong một bài viết là học tập từ kinh nghiệm của Thâm Quyến và Quảng Châu.
Ông cũng dự báo, cùng với quyết định miễn phí xét nghiệm cho người dân từ ngày 3/5 của Bắc Kinh, “việc xét nghiệm axit nucleic thường xuyên có khả năng được nhân rộng ở cấp quốc gia”. Điều này không chỉ nhằm đạt được “sự phối hợp hiệu quả giữa công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội” như cuộc họp Bộ Chính trị đề ra, mà còn là sự lựa chọn sau khi so sánh giữa Thâm Quyến và Thượng Hải trong đợt bùng phát mới do Omicron.
Theo tính toán của chuyên gia này, nếu tất cả các thành phố từ cấp hai trở lên của Trung Quốc với khoảng 505 triệu dân xét nghiệm hàng loạt, chi phí trong một năm có thể lên tới 1.700 tỉ nhân dân tệ (khoảng 257 tỉ USD), tương đương 1,5% GDP của nước này năm 2021.
Qua tính toán, ông cũng cho rằng, mặc dù xét nghiệm thường xuyên không hẳn là giải pháp tối ưu trong phòng chống dịch do Omicron hiện nay ở Trung Quốc, nhưng vẫn là giải pháp ít tốn kém hơn phong tỏa. Ông ước tính thiệt hại hàng tháng có thể lên tới 156,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 24 tỉ USD) nếu các thành phố lớn nhất nước như Thượng Hải đóng cửa trong hai tuần.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo chi phí này sẽ tạo áp lực lên chính quyền địa phương, vốn đang bị căng thẳng do cắt giảm thuế phí và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc.
Ngày 3/5, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,3%. Thời gian gần đây, tuy vẫn kiên trì với chính sách “Zero Covid-19 năng động”, nhưng lãnh đạo nước này đã chỉ đạo cần có sự điều chỉnh sao cho “phù hợp với các đặc điểm lây truyền mới của virus”, để giảm thiểu tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội./.