Trung Quốc có thể triển khai thêm các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thuế quan
Hôm thứ Hai (28/4), các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch hỗ trợ việc làm và giúp đỡ các nhà xuất khẩu, đồng thời để ngỏ khả năng có thêm các biện pháp kích thích trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ.

Chỉ trong vòng vài tuần, mức thuế quan đáp trả qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên hơn 100%, buộc các nhà máy Trung Quốc phải tạm dừng sản xuất dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng. Xuất khẩu là điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế Trung Quốc nhưng đang phải đối mặt với áp lực từ tình trạng tiêu dùng ảm đạm và sự sụt giảm của thị trường bất động sản.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: "Sự ổn định của thị trường lao động vẫn là mối quan tâm quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, vì điều này liên quan trực tiếp đến sự ổn định xã hội và phục hồi tiêu dùng". Các nhà phân tích ước tính có khoảng 16 triệu việc làm tại Trung Quốc tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách đã thừa nhận tác động của căng thẳng thương mại đối với việc làm tại các công ty xuất khẩu. Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của nước này trong năm nay. Nhưng cuộc họp báo mới đây tập trung nhiều hơn vào các nỗ lực ổn định việc làm.
Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu để họ "tự tin hơn khi nhận đơn đặt hàng", Sheng Qiuping, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Ngoài áp lực việc làm hiện tại, số lượng kỷ lục 12,22 triệu sinh viên tốt nghiệp giáo dục đại học đang gia nhập thị trường việc làm của Trung Quốc trong năm nay, tăng 430.000 so với một năm trước.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có xu hướng cắt giảm lãi suất khi thị trường lao động có hướng suy yếu. Các nhà phân tích dự đoán rằng vào cuối tháng 9, Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 20 điểm cơ bản, đồng thời cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản.
Trung Quốc cũng tự tin có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% và sẽ đưa ra các biện pháp kích thích gia tăng khi tình hình kinh tế vĩ mô thay đổi.
"Chúng tôi vẫn có nhiều dự trữ chính sách và nhiều không gian chính sách", Zhao Chenxin, phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết tại một cuộc họp báo.
"Bất kể tình hình quốc tế diễn biến như thế nào, chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào các mục tiêu phát triển...và tập trung vào việc quản lý tốt các vấn đề của chính mình. Chúng tôi hoàn toàn tự tin sẽ đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của năm nay", ông cho biết.
Ông cho biết chính phủ sẽ triển khai một loạt các biện pháp để củng cố thị trường việc làm trong bối cảnh chiến tranh thương mại, khi các nhà chức trách tìm cách xoa dịu những lo ngại về khả năng ảnh hưởng lớn đến việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc nếu thuế quan của Mỹ vẫn được áp dụng.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng các chính sách thúc đẩy tiêu dùng và thành lập quỹ phát triển công nghệ cấp nhà nước sẽ được triển khai vào cuối tháng 6.
Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ kinh tế kể từ cuối tháng 9, nhưng cho đến nay các biện pháp vẫn chưa tích lũy được thành các biện pháp kích thích quy mô lớn mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Louise Loo, nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics cho biết: "Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang chờ đợi sự rõ ràng hơn về tác động của thuế quan trước khi cam kết đưa ra các biện pháp kích thích toàn diện hơn". Tăng trưởng GDP trong quý II “rất có thể sẽ giảm tốc do xuất khẩu giảm và làm mất đi động lực thúc đẩy các khoản đầu tư”.