Trung Quốc công bố các kế hoạch tham vọng trong lĩnh vực không gian thương mại
Trung Quốc vừa công bố một số kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực không gian thương mại tại Diễn đàn Hàng không Vũ trụ Thương mại Trung Quốc lần thứ 7 khai mạc tại Vũ Hán hôm qua (25/11).
Một số kế hoạch nổi bật được công bố bao gồm việc triển khai chòm sao viễn thám mới, thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án vạn vật kết nối - Internet-of-Things (IoT) - trong không gian và lên kế hoạch phóng tên lửa Khoái Châu (Kuaizhou) 1A cho các nhiệm vụ bay thương mại.
Tại diễn đàn, Tập đoàn Công nghiệp & Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) tuyên bố sẽ xây dựng một dự án chòm sao viễn thám thời gian thực nhằm mục đích phủ sóng toàn cầu nhanh chóng và có khả năng truy cập dữ liệu mọi khí hậu, mọi lúc để phục vụ các kịch bản khác nhau, như cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, giám sát giao thông và quản lý tài nguyên.
Theo truyền thông Trung Quốc, khi được đưa vào sử dụng, dự án này sẽ cải thiện đáng kể khả năng sử dụng của công nghệ vệ tinh viễn thám, cho phép nó hỗ trợ trong các lĩnh vực, như quốc phòng, ứng phó khẩn cấp, quản trị xã hội...
Dự án IoT thế hệ mới của Trung Quốc có tên là “Hành Vân-2” (Xingyun-2), bao gồm 80 vệ tinh, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, nhằm cung cấp giải pháp cho các “điểm mù thông tin” hiện nay và hiện thực hóa vạn vật kết nối trên toàn cầu theo đúng nghĩa, cũng được giới thiệu tại sự kiện như một dự án quan trọng của CASIC.
Giai đoạn đầu của dự án này về cơ bản đã hoàn thành trong năm nay với việc phóng 2 vệ tinh Hành Vân – 2, nhằm xác minh công nghệ cốt lõi và thử nghiệm trong các lĩnh vực ứng dụng.
Trong giai đoạn 2, việc chuẩn bị phóng 6 vệ tinh đầu tiên đang được tiến hành và dự kiến trong giai đoạn này tổng cộng 12 vệ tinh sẽ được phóng vào năm 2022. Sau khi giai đoạn 2 hoàn thành, Trung Quốc và các khu vực lân cận có thể nhận được dịch vụ liên lạc vệ tinh cứ mỗi 30 phút, cung cấp cho người dùng các dịch vụ và giải pháp IoT trong không gian.
Tại diễn đàn, kế hoạch phóng tên lửa Khoái Châu-1A cũng đã được giới thiệu. Thời gian qua, vệ tinh này đã liên tiếp thực hiện 3 lần phóng vào các ngày 27/9, 27/10 và 25/11. Đây là loại tên lửa mang nhiên liệu rắn chi phí thấp, được thiết kế để phóng vệ tinh quỹ đạo thấp nặng dưới 300 kg.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 1/2017, tên lửa này đã thực hiện 11 nhiệm vụ bay thương mại, đưa 21 vệ tinh lên quỹ đạo. Trong khoảng thời gian phóng tầm 6 tháng kể từ tháng 9/2021, nó được thiết lập để hoàn thành 10 lần phóng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, CASIC cũng sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm không gian, như máy bay không người lái năng lượng mặt trời gần vũ trụ và khí cầu gần vũ trụ, thúc đẩy thử nghiệm xác minh công nghệ cốt lõi của các nền tảng vận tải hàng không vũ trụ có thể tái sử dụng, nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng hạ tầng không gian quốc gia./.