Trung Quốc đã tính toán sai lầm về sự trỗi dậy của Ấn Độ?
Sự trỗi dậy của Ấn Độ trong khu vực và triển vọng hình thành liên minh Mỹ-Ấn đã khiến Trung Quốc phải thay đổi cách nhìn nhận.
Trong lúc sự chú ý của Trung Quốc đang dồn vào việc ngăn chặn một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới với Mỹ thì căng thẳng ở biên giới nước này với Ấn Độ lại bùng nổ với cuộc hỗn chiến đẫm máu nhất trong hơn 50 năm qua giữa hai nước.
Cuộc đụng độ giữa binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya tối 15/6 vừa qua giống như “xát muối” vào vết thương cũ chưa bao giờ lành sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Nó cũng dấy lên những lo ngại rằng các cuộc đụng độ vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân có thể trở thành biểu hiện chết người của “Bẫy Thucydides”.
Khái niệm gây nhiều tranh luận “Bẫy Thucydides", do Giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard đưa ra, nói về khả năng xung đột quân sự khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa trung tâm quyền lực cũ – thường được dùng để mô tả cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng “bẫy Thucydides” liệu có thể dùng trong trường hợp căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ?
Kịch bản “ác mộng”
Mặc dù hai nước đã thể hiện thiện chí giảm căng thẳng và đồng ý rút bớt hiện diện quân sự trong tuần trước, nhưng cho đến nay vẫn ít có dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã tăng cao sẽ sớm tan biến.
Thay vào đó, cả hai bên đã tập trung một lượng lớn binh lính và vũ khí, dọc theo hoặc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) sau cuộc ẩu đả giữa tháng 6. Trong cuộc đụng độ tại Thung lũng Galwan này, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, phía Trung Quốc không công bố con số thương vong.
Giới quan sát cho rằng sẽ là một kịch bản ác mộng đối với Trung Quốc khi leo thang căng thẳng và xa lánh Ấn Độ trong lúc lại đối mặt với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Washington và hứng chịu làn sóng phản ứng quốc tế dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ về chính sách ngoại giao “quá đà” cùng những cáo buộc liên quan đến đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà ngoại giao hàng đầu của ông đã tìm cách nâng cấp các mối quan hệ song phương lên một mức độ chưa từng thấy trong 2 năm qua, nhưng sự táo bạo của Bắc Kinh trong việc tăng cường quân đội tại khu vực biên giới với Ấn Độ đã khiến tranh chấp với nước láng giềng ngày càng trở nên nan giải.
Xem video Trung Quốc, Ấn Độ tìm cách giảm căng thẳng sau cuộc đụng độ ngày 15/6 (Nguồn: SCMP)
Với sự trỗi dậy của Ấn Độ trở thành một cường quốc trong khu vực, thế cân bằng giữa nước này với Pakistan và sự nổi lên của liên minh Mỹ-Ấn, New Dehli đang chiếm một vị thế cao hơn trong chương trình nghị sự của Trung Quốc.
Chuyên gia Pang Zhongying thuộc Đại học Hải Dương (Trung Quốc) nhận xét, Ấn Độ đã chuyển mình trong suốt hai thập kỷ qua, từ một “người khổng lồ” ở Nam Á trở thành một cường quốc có ảnh hưởng tại châu Á. “Quan hệ đối tác với Ấn Độ được đặt ở vị trí cao trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khu vực ngoại vi. Thật không may cho Bắc Kinh khi bị phân tâm bởi cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ trong lúc nước này cần tập trung vào mối quan hệ đang rơi tự do với Mỹ, vốn là một phần của cuộc khủng hoảng đa phương về ngoại giao và kinh tế”, ông Pang Zhongying nói.
Theo ông Wang Dehua, chuyên gia về Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, việc hiểu sai về các mục tiêu chiến lược của nhau, thiếu tin tưởng và làm phức tạp thêm vấn đề tranh chấp biên giới là những yếu tố hàng đầu “kìm hãm” quan hệ Trung - Ấn trong nhiều thập kỷ.
Duy trì hiện trạng, tránh đánh giá sai
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc – hai trong số những nền văn minh lâu đời nhất của thế giới - đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ hai nước giành được độc lập vào cuối những năm 1940. Hai nước trải qua thời kỳ “trăng mật” vào những năm 1950, sau đó là cuộc chiến tranh 1962 và thời kỳ đóng băng ngoại giao kéo dài sau đó.
Các mối quan hệ chính trị đã dần được được cải thiện kể từ thập niên 1980 và quan hệ kinh tế, thương mại khởi sắc rõ ràng khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ năm 2008.
Cả hai bên cũng có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới thông qua đàm phán ngoại giao và quân sự. Các cuộc đàm phán kể từ năm 1981 đã dẫn đến ký kết ít nhất 5 thỏa thuận về kiểm soát căng thẳng và xây dựng lòng tin, nhưng hai bên vẫn chưa đưa ra được một con đường khả thi để giải quyết vĩnh viễn hoặc ngăn chặn các cuộc giao tranh biên giới.
“Trong trường hợp không có các giải pháp biên giới, cả hai bên cần gạt bỏ những bất bình và khác biệt trong quá khứ về vấn đề biên giới và tìm cách cùng tồn tại và phát triển cùng nhau bằng cách duy trì hiện trạng, tránh đánh giá sai và chủ nghĩa cơ hội”, ông Wang Dehua nêu quan điểm.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào năm 2017 khi binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu suốt 73 ngày ở khu vực Doklam (hay Donglang theo cách gọi của Trung Quốc), thuộc Himalaya, nơi gặp nhau của Sikkim, Tây Tạng và Bhutan.
Chuyên gia Yun Sun thuộc tổ chức nghiên cứu quốc tế Stimson Centre (Mỹ) cho rằng: “Đối với Trung Quốc, cuộc đụng độ tại Doklam đặt ra những câu hỏi cơ bản liên quan đến bản chất mối đe dọa của Ấn Độ”. Dường như có sự bất cân xứng trong nhận thức về mối đe dọa giữa hai nước láng giềng. Trong khi Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ chính thì Bắc Kinh lại coi New Dehli là “thách thức thứ yếu” do họ phải tập trung đối phó với sức mạnh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
“Theo quan điểm của Trung Quốc, dù vị thế của Ấn Độ tại châu Á ngày càng tăng nhưng họ vẫn không coi nước này là một đối thủ ngang hàng”, chuyên gia Yun Sun lý giải.
Tuy vậy, sự thay đổi chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi - ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại phiêu lưu – cộng với việc Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhắm vào Trung Quốc chỉ 3 tháng sau cuộc đụng độ tại Doklam, đã đẩu Trung Quốc vào thế “đứng ngồi không yên”.
“Kể từ đó, yếu tố Mỹ đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Với Bắc Kinh, viễn cảnh phải đối mặt với quân đội Mỹ trên biển và quân đội Ấn Độ ở biên giới phía Nam cũng như tại Ấn Độ Dương ngày càng hiện hữu và nguy hiểm hơn, khi xét đến hợp tác quốc phòng giữa New Dehli vầ Washington”, chuyên gia Yun Sun nhấn mạnh.
Chiến lược kiềm chế Ấn Độ của Trung Quốc
Sau khi được trấn an phần nào bởi sự do dự của New Dehli trong việc tham gia Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và liên minh bộ tứ với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định tăng cường quan hệ song phương với Ấn Độ, thông qua hai Hội nghị thượng đỉnh không chính thức với Thủ tướng Modi tại Vũ Hán năm 2018 và tại Chennai vào năm 2019.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Ấn Độ thông qua liên kết với Pakistan và các quốc gia nhỏ khác ở Nam Á, đồng thời ngăn chặn nỗ lực của Mỹ lôi kéo Ấn Độ vào liên minh chống Bắc Kinh.
Trung Quốc đã không vội vàng giải quyết tranh chấp biên giới bởi vì nó có thể được sử dụng làm đòn bẩy để phá hoại Ấn Độ trong khu vực và làm xói mòn vị thế toàn cầu” – bà Yun Sun nói.
Tuy nhiên một Trung Quốc đang bị cô lập hơn cũng cần Ấn Độ để đối phó với Mỹ thông qua các tổ chức đa phương khác nhau. Bắc Kinh cũng cần sự ủng hộ của New Delhi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường – bất chấp sự phản đối của Ấn Độ với Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, đi qua khu vực tranh chấp Kashmir.
Mặc dù vậy, Trung Quốc có thể muốn cảnh cáo Ấn Độ khi nhận thấy cách tiếp cận kiểu lát cát salami của Thủ tướng Modi giống như chính sách gây tranh cãi trước đây của Thủ tướng Jawaharlal Nehru – từng dẫn tới cuộc chiến tranh năm 1962. Về mặt chiến thuật, Trung Quốc dường như đang nhắm đến những gì họ đạt được trong cuộc chiến tranh năm 1962 và tin rằng họ cần phải đứng lên chống lại Ấn Độ bằng bất cứ giá nào, bà Yun Sun nói.
Trong khi đó, Dibyesh Anand, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Westminster ở London, cho rằng: “Một yếu tố quan trọng trong quan điểm của Trung Quốc là ý tưởng trở thành 'ông lớn', quyền lực mới nổi duy nhất, trong khi từ phía Ấn Độ, đó là ý tưởng được cộng đồng quốc tế công nhận và tôn trọng như Trung Quốc”.
Trong khi Bắc Kinh có thể hy vọng ngăn chặn nỗ lực của New Delhi về xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới, thì thách thức nhất đối với Trung Quốc là duy trì áp lực mà không gây ra xung đột vũ trang, dẫn đến cơn ác mộng của cuộc chiến hai mặt trận với cả Mỹ và Ấn Độ.
“Ngay cả khi Trung Quốc có thể đánh bại và kiềm chế Ấn Độ thông qua một cuộc chiến tranh, thì lợi ích giành được chỉ ở mức tối thiểu vì nó không giải quyết được những thách thức an ninh đối ngoại quan trọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”, chuyên gia Yun Sun nói.