Trung Quốc: Đàm phán thương mại với Mỹ sẽ diễn ra trong vài ngày tới
Thông tin này xuất hiện chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã hoãn đàm phán thương mại với Trung Quốc và thậm chí cho biết bản thân 'không muốn thảo luận với Bắc Kinh vào lúc này'.
Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến hằng tuần, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, phía Trung Quốc lẫn Mỹ đã nhất trí tổ chức đàm phán nhằm đánh giá quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau 6 tháng có hiệu lực.
Ông Cao Phong nói, thời gian đàm phán diễn ra là "trong vài ngày tới, nhưng không cho biết thông tin cụ thể. Dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, hãng tin Reuters cho biết, hai bên "thảo luận qua điện thoại". Hiện, phía Bộ Tài chính hay Đại diện Thương mại Mỹ chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc này.
Được biết, thông tin trên từ phía Trung Quốc xuất hiện chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã hoãn đàm phán thương mại mà đáng lẽ phải diễn ra vào ngày 15/8/2020. Theo Reuters, lý do hai bên hoãn đàm phán vào thứ Bảy tuần trước là vì xung đột lịch trình.
Tuy nhiên, trong lần phát biểu gần nhất tại Yuma, bang Arizona, ông Trump lại cho biết bản thân "không muốn thảo luận với Bắc Kinh vào lúc này".
Thậm chí, khi được hỏi liệu Mỹ có rút khỏi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không, ông chủ Nhà Trắng còn nói sẽ "cân nhắc".
Vào tháng 1 năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, qua đó tạm thời chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại vốn đã kéo dài gần 2 năm giữa hai nền kinh tế. Theo thỏa thuận này, 6 tháng một lần, hai bên phải thảo luận để xem xét lại quá trình thực hiện.
Thỏa thuận giai đoạn 1 có đổ vỡ?
Được biết, một trong những nội dung chính của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là Trung Quốc sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tiếp theo. Cụ thể, Trung Quốc sẽ mua 32 tỷ USD mặt hàng nông nghiệp, gồm thịt bò, đậu nành và hải sản; 52,4 tỷ USD sản phẩm năng lượng, gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu thô và than đá; 37,9 tỷ USD hàng dịch vụ và 77,7 tỷ USD hàng công nghiệp.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), Trung Quốc đáng lẽ phải mua tổng cộng 142,7 tỷ USD hàng Mỹ vào cuối năm 2020, nếu tính theo dữ liệu xuất khẩu của Mỹ. Còn nếu sử dụng dữ liệu nhập khẩu chính thức từ Trung Quốc, nước này phải mua 172,7 tỷ USD. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã mua ít hơn 25% tổng lượng sản phẩm được đặt mục tiêu trong cả năm dựa trên cả hai bộ thống kê.
Tiến trình Trung Quốc thực hiện mục tiêu mua hàng hóa trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Màu xanh dương là mục tiêu cả năm 2020, trong khi màu vàng là con số thực tế đạt được từ tháng 1-6/2020. Ảnh: CNBC
Trên thực tế, bản thân nội dung của thỏa thuận giai đoạn 1 vào thời điểm nó được ký kết đã dấy lên dấu hỏi lớn cho không ít chuyên gia thương mại và nhà phân tích, rằng liệu đây có phải là một mục tiêu thực tế hay không. Do đó, dù đã được ký kết, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận này sẽ không thể duy trì được lâu.
Richard Martin - Giám đốc quản lý IMA Asia - một diễn đàn tư vấn dành cho CEO và quản vị viên cấp cao tại châu Á, từng cho rằng, xác suất để thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được duy trì trong năm đầu tiên là 50%, và con số này sẽ giảm một nửa vào năm kế tiếp.
Và, trước những diễn biến hiện tại xung quanh quan hệ giữa hai nước, từ các cáo buộc liên quan tới Covid-19, cho đến lệnh cấm các công ty công nghệ, nhiều khả năng dự đoán nói trên sẽ trở thành sự thật. Theo Martin, 2 lý do để thỏa thuận này đổ vỡ.
Thứ nhất, xét trên khía cạnh lịch sử, có khá ít câu chuyện thành công về những thỏa thuận thương mại do chính phủ hai bên dàn xếp và thực hiện.
Thứ nhì, có nhiều điều khoản để cả Mỹ lẫn Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận thương mại. Thế nên, đây không phải là một thỏa thuận thể hiện nhiều sự cam kết chắc chắn cho lắm. Nếu có vấn đề phát sinh, thỏa thuận thương mại này có thể chấm dứt ngay tại giai đoạn 1, ông Martin nói.
Theo hãng tin Bloomberg, sự sụp đổ của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc thương chiến, mà trong đó hai bên "ăn miếng trả miếng" về thuế quan, bùng nổ trở lại.
"Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là điểm sáng trong quan hệ Mỹ - Trung. Tôi chắc chắn rằng, khi Tổng thống xem xét bầu cử Mỹ và các thị trường cổ phiếu, ông sẽ nhận ra rằng, việc thực hiện các cam kết của Trung Quốc có nhiều thách thức, nhưng có lẽ việc xé bỏ hoàn toàn thỏa thuận còn tồi tệ hơn", Phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ Charles Freeman nói với Bloomberg TV hôm 18/8.