Trung Quốc dẫn đầu về ô tô điện nhưng rủi ro về sức khỏe ở các nhà máy pin gióng lên hồi chuông báo động

Các cuộc điều tra của cơ quan y tế ở nhiều nơi ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng việc sản xuất pin ô tô điện có thể gây ra tiếng ồn và mức bụi cao, đồng thời thải ra độc tố hóa học, tia laser và các yếu tố gây hại khác.

Ngành ô tô điện Trung Quốc những ngày gần đây đã giành được hai chiến thắng quan trọng trên thị trường xe hơi khốc liệt do các phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống thống trị.

Hôm 19.2, BYD (nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới) lần đầu tiên ấn định giá ô tô điện của mình thấp hơn giá các loại xe chạy bằng xăng.

Trong khi đó, Huawei đã gây chú ý kể từ khi ra mắt hệ thống sạc cực nhanh mới vào tháng 10.2023, cho phép ô tô điện chạy được một km chỉ sau 1 giây sạc.

Những động thái này là minh chứng cho sự tăng trưởng bùng nổ về năng lực sản xuất pin ô tô điện của Trung Quốc và đổi mới công nghệ nhanh chóng.

Các yếu tố như chuỗi cung ứng rộng khắp và nguồn nhân tài dồi dào giúp Trung Quốc vươn lên trở thành nhà sản xuất pin ô tô điện hàng đầu thế giới, chiếm hơn 60% thị trường toàn cầu vào năm 2023.

Ngành công nghiệp ô tô điện được ca ngợi nhờ hình ảnh công nghệ cao và lượng carbon thấp với sự hỗ trợ của nền sản xuất tiên tiến.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra của cơ quan y tế ở nhiều nơi ở Trung Quốc những năm gần đây đã phát hiện ra rằng việc sản xuất pin ô tô điện có thể gây ra tiếng ồn và mức bụi cao, đồng thời thải ra độc tố hóa học, tia laser và các yếu tố gây hại khác.

Phát hiện này đã làm sáng tỏ tác động sức khỏe ít được biết đến của ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển nhanh chóng khi Trung Quốc hướng tới mục tiêu không phát thải carbon.

Một nhà nghiên cứu giấu tên tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) cho biết rủi ro bệnh nghề nghiệp luôn được xếp vào loại “nghiêm trọng” trong sản xuất pin.

Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu từ các tổ chức gồm Học viện Khoa học và Công nghệ An toàn Trung Quốc, cơ quan an toàn lao động do chính phủ điều hành, cho thấy sản xuất pin là một trong những lĩnh vực hàng đầu của Trung Quốc thường xuyên xảy ra các vụ “ngộ độc tập thể” kể từ đầu những năm 1990.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu ở CDC Trùng Khánh nhấn mạnh rằng nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp với pin ô tô điện thấp hơn so với các sản phẩm truyền thống như pin axit chì, nhờ mức độ tự động hóa cao hơn và công nghệ tiên tiến hơn trong công việc.

Trang SCMP đã liên hệ với các nhà sản xuất pin ô tô điện hàng đầu Trung Quốc như CATL và BYD với lời đề nghị đến thăm các nhà máy của họ. SCMP vẫn chưa nhận được phản hồi từ CATL và bị BYD từ chối.

BYD (viết tắt của Build Your Dreams) ra đời năm 2003 và đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới trong năm 2024. Đây cũng là nhà sản xuất pin ô tô điện số 2 toàn cầu, sau CATL (Contemporary Amperex Technology Co Ltd).

Những người lao động tuyến đầu phải đối mặt với rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực ô tô điện đã bày tỏ mối lo ngại của họ. Trên diễn đàn trực tuyến Zhihu, nhiều người dùng đã đặt câu hỏi liệu làm việc trong nhà máy sản xuất pin ô tô điện có gây hại cho sức khỏe của họ hay không.

Một người dùng chia sẻ vào năm 2021 rằng cô làm việc trong một nhà máy sản xuất vật liệu cực âm cho pin lithium. Hầu hết các phương tiện chạy bằng điện hiện nay đều sử dụng pin lithium-ion, dù thành phần thường khác với pin cho các thiết bị điện tử tiêu dùng.

Người đăng bài cho biết mắt và cổ họng của cô luôn nhức nhối do tiếp xúc với bụi hóa chất, đồng thời nói thêm: “Tôi không dám ở lại trong nhà máy nữa”. Cuối cùng cô đã bỏ việc chỉ sau 5 tháng.

Mức độ tiếng ồn cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Tiếng ồn thường xuyên hoặc lớn đã được chứng minh là gây lo lắng hoặc căng thẳng. Theo một người dùng khác đăng bài cùng năm 2021, sau khi làm việc trong một nhà máy sản xuất pin ồn ào trong ba tháng, anh bị suy nhược thần kinh vì lo ngại về sức khỏe và bị mất thính lực do mức decibel cao.

Những phát hiện của một số nhà khoa học và nhân viên y tế công cộng chứng minh cho những lo ngại đó.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí học thuật Occupational Health and Emergency Rescue (Trung Quốc) vào tháng 12.2023 đã xác định các mối nguy tiềm ẩn về sức khỏe nghề nghiệp tại một nhà máy sản xuất pin lithium ở huyện Thái Hưng, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.

Những phát hiện này dựa trên một cuộc điều tra tại chỗ được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ chi nhánh địa phương của CDC, cơ quan y tế công cộng quốc gia.

Nhà máy đó được thành lập vào năm 2016 sản xuất 400 triệu amp-giờ pin lithium hàng năm trên 4 dây chuyền sản xuất, sử dụng tổng cộng 114 công nhân.

Quá trình sản xuất pin lithium có nhiều bước, gồm cả việc xử lý nguyên liệu thô thành các tấm điện cực, sau đó biến những tấm đó thành các cell pin chưa được kích hoạt. Sau khi sạc và kiểm tra dung lượng, pin được đóng gói và bảo quản.

Cell dùng để chỉ các viên pin (hoặc tế bào pin). Trong lĩnh vực năng lượng và ô tô điện, cell thường là một đơn vị cơ bản của pin, có thể được kết hợp thành các mô đun hoặc gói pin lớn hơn để cung cấp năng lượng cho các thiết bị và phương tiện.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số mối nguy hiểm hóa học tại nhà máy. Ví dụ, công nhân sản xuất tấm điện cực phải đối mặt với những rủi ro như ngạt thở do bồ hóng và bụi than chì khi họ cân, trộn, khuấy vật liệu điện cực dương và âm.

Tại các trạm hàn, nơi các tấm được cắt và hàn vào cell pin cùng với các thùng chứa chất điện phân, nồng độ ozone cao nhất được phát hiện đã vượt quá giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp, tình trạng được xếp vào loại "nguy hiểm ở mức độ trung bình" theo tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc.

Tại xưởng lắp ráp pin, độ ồn trung bình của môi trường xung quanh là gần 90 decibel, trong đó mức cho phép là dưới 85 decibel, do đó gây ra “rủi ro vừa phải”.

Các tác giả viết trên tạp chí học thuật Occupational Health and Emergency Rescue: “Nhà máy liên quan đến các hoạt động có rủi ro nghề nghiệp nghiêm trọng và vị trí của công nhân tiếp xúc với ozone, hydro florua và tiếng ồn cần được chú ý đặc biệt”, đồng thời kêu gọi cải thiện tính bền vững các cơ sở phòng ngừa nguy hiểm và cứu hộ khẩn cấp cũng như bảo vệ cá nhân mạnh mẽ hơn.

Các nhà sản xuất pin ô tô toàn cầu khác cũng phải đối mặt với khiếu nại về việc không đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe của người lao động.

LG Energy Solution (Hàn Quốc), công ty đứng thứ ba trên thị trường pin năng lượng toàn cầu sau CATL và BYD, đã thành lập một nhà máy mang tên Ultium Cells ở bang Ohio (Mỹ) cùng với General Motors vào năm 2022.

Nhà máy này đã bị Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) phạt 270.000 USD vào tháng 10.2023. Các nhà điều tra của OSHA phát hiện ra rằng công ty đã không đào tạo công nhân về các quy trình an toàn và khẩn cấp, đồng thời cũng không đáp ứng các tiêu chuẩn liên bang về sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, khiến nhân viên gặp nguy hiểm.

Một trong những nhà máy ở Mỹ của SK On, liên doanh khác của Hàn Quốc, vi phạm 6 hành vi nghiêm trọng và bị Bộ Lao động Mỹ phạt 75.000 USD hồi tháng 1.2024.

Các vấn đề được gắn cờ gồm mức tiếng ồn trung bình hơn 85 decibel mỗi giờ; không cung cấp biện pháp bảo vệ hô hấp cho công nhân xử lý niken, coban và mangan; thiếu khẩu trang, vòi hoa sen sạch và khử trùng cho những người tiếp xúc với vật liệu ăn mòn.

Những đột phá về công nghệ trong sản xuất pin, đặc biệt là pin lithium-ion với mật độ năng lượng cao hơn và vòng đời dài hơn, đã thúc đẩy cuộc cách mạng ô tô điện toàn cầu.

Dù nghiên cứu về pin lithium đã có từ những năm 1960 nhưng công nghệ này không được sử dụng rộng rãi cho đến khi các công ty Nhật Bản thương mại hóa nó vào những năm 90. Đến năm 2010, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, các đối thủ ở Trung Quốc đã sớm bắt đầu xâm nhập nhanh chóng và đang là những người dẫn đầu thị trường.

Pin giá rẻ của CATL (được thành lập vào năm 2011) hiện cung cấp năng lượng cho 1/3 số ô tô điện trên toàn thế giới, gồm cả thương hiệu Tesla, BMW, Volkswagen và Ford.

Năm ngoái, 6 trong số 10 công ty sử dụng pin toàn cầu nhiều nhất là Trung Quốc, chiếm gần 2/3 thị trường pin lithium toàn cầu, theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường SNE Research. Trong số này, CATL và BYD cùng nhau chiếm hơn một nửa thị trường.

Trung Quốc cũng có thị phần lớn nhất toàn cầu về cơ sở xử lý một số nguyên liệu chính dùng để sản xuất pin ô tô điện. Điều này bao gồm 65% lượng lithium của thế giới, 74% coban và 42% các đơn vị chế biến đồng. Đây cũng là quốc gia duy nhất xử lý than chì, một thành phần chính khác của pin ô tô điện.

Wan Gang, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ và là nhân vật chủ chốt trong sự phát triển ô tô điện của Trung Quốc, nói về thị trường xuất khẩu năm ngoái: “Pin năng lượng mặt trời, pin lithium-ion và ô tô điện đã trở thành ‘ba thứ mới’ thúc đẩy xuất khẩu cho Trung Quốc”.

Các công ty ô tô điện Trung Quốc đang tăng tốc mở rộng ra nước ngoài, với một số công bố về dây chuyền sản xuất pin lithium mới, sản xuất nguyên liệu thô cùng các dự án khác ở Thái Lan, châu Âu và Mỹ trong hai năm qua.

Trong nước, nhiều thành phố của Trung Quốc đang tìm kiếm sự tăng trưởng kinh tế nhờ ngành công nghiệp ô tô điện, gồm cả các nhà máy pin.

Tại thành phố lớn Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, các công ty sản xuất pin ô tô điện đang bùng nổ sau khi chính quyền địa phương xác định ô tô, đặc biệt là phương tiện sử dụng năng lượng mới, làm ngành công nghiệp trụ cột.

Nhà nghiên cứu CDC ở Trùng Khánh cho biết: “Trung Quốc đã tiến hành cải cách cung ứng trong khoảng 10 năm qua” và nói thêm rằng một trong những mục tiêu chính là nâng cấp ngành sản xuất. Điều này đã loại bỏ rất nhiều công ty không đạt tiêu chuẩn sản xuất quốc gia.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho biết một số công đoạn sản xuất vẫn có tác động không mong muốn với cá nhân và xã hội. Ví dụ, phần đầu nguồn của chuỗi công nghiệp ô tô điện, nơi khai thác quặng lithium và sản xuất các phụ kiện liên quan, vẫn gây ra mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng.

Từ nhiên liệu hóa thạch sang pin, quá trình chuyển đổi năng lượng của ngành ô tô đã trở thành xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Song, cuộc hành trình này đã gây ra nhiều tranh cãi, với những rủi ro về sức khỏe trong quá trình sản xuất chỉ là một vấn đề.

Ví dụ, việc khai thác lithium được cho là gây ô nhiễm môi trường đáng kể và tiêu tốn nhiều nước. Đầu năm 2022, dự án lithium BYD được đề xuất ở Chile đã bị đình chỉ, một phần do sự phản đối của người dân địa phương và cộng đồng lo ngại về ô nhiễm và suy thoái vùng đất ngập nước.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-dan-dau-ve-o-to-dien-nhung-rui-ro-ve-suc-khoe-o-cac-nha-may-pin-giong-len-hoi-chuong-bao-dong-214372.html