Trung Quốc dẫn đầu về tiêm chủng, xuất khẩu vắc-xin COVID
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số dân được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cũng như về xuất khẩu, viện trợ vắc-xin, theo báo cáo được Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) công bố ngày 29/7.
Một phụ nữ Nepal đang được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Ảnh: Xinhua
Tính đến ngày 19/6, Trung Quốc đã tiêm hơn 1 tỷ mũi vắc-xin COVID-19 cho công dân nước này, chiếm hơn 1/3 tổng số mũi được tiêm trên toàn cầu, theo Báo cáo Sử dụng Vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu. Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương (RDCY) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc tham gia viết báo cáo này.
Tính đến 22/7, số liều vắc-xin tiêm cho người dân Trung Quốc tăng lên 1,48 tỷ, nâng tỷ lệ tiêm chủng ở nước này lên 52,9%, so với mức 26,5% của dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một mũi tính đến ngày 20/7, theo số liệu thống kê của trang web Our World in Data.
Hiện giờ, Trung Quốc chiếm một nửa trong số 38 triệu liều vắc-xin COVID-19 được tiêm mỗi ngày trên khắp thế giới, Global Times đưa tin ngày 29/7. Dự kiến, đến cuối năm nay, Trung Quốc tiêm xong cho 70% dân số nước này, ông Wang Wen, Giám đốc điều hành RDCY, nói. Các nhà sản xuất vắc-xin của Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển các loại vắc-xin nhằm vào 4 biến thể SARS-CoV-2 phổ biến hiện nay là Delta, Gamma, Beta và Alpha. Theo lãnh đạo một công ty con của Tập đoàn Y dược Trung Quốc (Sinopharm), các vắc-xin bất hoạt của Sinopharm vẫn có hiệu quả trong việc bảo vệ người được tiêm khỏi các biến thể.
Mất cân bằng trong phân phối vắc-xin
“Để các nước đang phát triển tiếp cận được vắc-xin dễ dàng hơn, mua với giá phải chăng hơn là những vấn đề nổi bật trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19”, ông Li Baodong, Tổng thư ký BFA, phát biểu hôm 29/7. Trung Quốc và nhiều nước phát triển, nhóm các nước giàu như G20, G7, EU… đã đặt ra kế hoạch trợ giúp các nước đang phát triển về vắc-xin phòng COVID-19.
Theo Báo cáo Sử dụng vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu, lượng viện trợ và xuất khẩu vắc-xin của Trung Quốc vượt quá tổng lượng của các nước khác. Tính đến tháng 5, Trung Quốc xuất khẩu 252 triệu liều vắc-xin, chiếm 42% tổng sản lượng vắc-xin của nước này, tương đương 1/6 tổng sản lượng vắc-xin của thế giới. Trung Quốc xuất khẩu vắc-xin chủ yếu cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, EU xuất khẩu 111 triệu liều vắc-xin, chiếm 11% tổng sản lượng vắc-xin của khối, chủ yếu cho các nước thu nhập trung bình và cao; Nga xuất khẩu 69 triệu liều, chiếm 35% tổng sản lượng vắc-xin của nước này…
Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vắc-xin Vero Cell; công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%, tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%. Ngày 7/5/2021, Vero Cell trở thành vắc-xin thứ 6 trên thế giới được WHO xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Tại Việt Nam, Vero Cell là vắc-xin thứ 3 (sau AstraZeneca và Sputnik-V) được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp từ ngày 3/6/2021.
“Cộng đồng quốc tế nên thiết lập cơ chế phối hợp để giải quyết hiệu quả vấn đề mất cân bằng trong phân phối vắc-xin, đặc biệt là về độ sẵn có và giá cả phải chăng của vắc-xin COVID-19 ở những nước kém phát triển”, ông Shao Yiming, nhà miễn dịch học công tác tại Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, đề xuất.
Tính đến cuối tháng 7, hơn 1,63 triệu người Nepal đã được tiêm mũi đầu tiên vắc-xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và xấp xỉ 703.600 người được tiêm đủ hai mũi Vero Cell, Xinhua dẫn số liệu thống kê của Bộ Y tế và Dân số Nepal. Tính chung các loại vắc-xin phòng COVID-19, đã có 3,46 triệu người Nepal được tiêm mũi một và 1,46 triệu người được tiêm đủ hai mũi.
Qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, trước khi đưa vắc-xin vào sử dụng khẩn cấp, bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là quan trọng nhất. Giai đoạn này được thực hiện trên quy mô lớn nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vắc- xin có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không. Sau khi được phê duyệt, vắc-xin vẫn phải được bổ sung, cập nhật dữ liệu liên quan tính an toàn, hiệu quả trong quá trình sử dụng.
Theo một bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế Việt Nam ngày 23/6, tất cả vắc-xin COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn, đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Đến nay, tất cả các loại vắc-xin mà Việt Nam phê duyệt như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, VeroCell đều trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có quy mô từ 20.000-50.000 người tham gia.
Vắc-xin AstraZeneca được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia; VeroCell của Công ty Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm được thử nghiệm tại 6 quốc gia với hơn 45.000 người; Sputnik-V tại 5 quốc gia với 21.977 người; Pfizer tại 6 quốc gia với 43.418 người; Moderna tại 4 quốc gia với 30.420 người.