Trung Quốc đang cân nhắc xử lý hệ thống quản lý nợ xấu
Trung Quốc đang cân nhắc chuyển quyền sở hữu của Chính phủ tại các quỹ quản lý nợ xấu lớn nhất sang một đơn vị thuộc quỹ đầu tư quốc gia.
Các chuyên gia cho biết, theo đề xuất, Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ chuyển cổ phần của mình tại China Cinda Asset Management, China Great Wall Asset Management và China Orient Asset Management sang Central Huijin Investment.
China Investment hay CIC - công ty mẹ của Central Huijin, sẽ được cơ quan quản lý ngân hàng ủy quyền đề cử giám đốc điều hành chủ chốt cho các quỹ quản lý tài sản với tư cách là cổ đông lớn của họ.
Cùng với đó, một số công ty nhà nước khác đang liên kết với cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc cũng sẽ được chuyển giao cho Huijin. Trong đó, bao gồm China Securities Finance, công ty được ủy thác hàng nghìn tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong suốt cuộc khủng hoảng năm 2015.
Động thái này thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc tách biệt vai trò là cơ quan quản lý và cổ đông của chính phủ, từ đó giúp hợp lý hóa hoạt động giám sát và áp dụng kỷ luật cao hơn tại một số thực thể thuộc sở hữu của nhà nước. Việc này cũng sẽ cho phép các cơ quan giám sát tập trung vào hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tài chính trị giá khoảng 60.000 tỷ USD vào thời điểm mà tốc độ phục hồi kinh tế đang suy yếu.
Tuy nhiên, sự chuyển giao này có thể đặt ra các mối lo giữa các chủ nợ về năng lực hỗ trợ của chính phủ trong các thời kỳ căng thẳng. Mặc dù theo đề xuất này, các nhà quản lý nợ xấu sẽ vẫn thuộc sở hữu nhà nước giống như nhóm ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, song cổ phần do chính phủ trực tiếp sở hữu sẽ giảm xuống đáng kể.
Đề xuất này vẫn chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi. Cổ phần của Nhà nước trong các công ty này trị giá khoảng 33 tỷ USD, theo tính toán của các chuyên gia dựa trên giá trị vốn chủ sở hữu của các cổ đông của họ.
Central Huijin từ lâu đã được Chính phủ ủy quyền nắm giữ cổ phần trong các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty môi giới thuộc sở hữu nhà nước. Đơn vị này có quyền sở hữu trực tiếp tại 18 tổ chức tài chính tính đến cuối năm 2022, theo trang web chính thức cho biết.
China Huarong Asset Management, từng là công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, sẽ không nằm trong đợt cải cách này nếu được phê duyệt do Citic Group đã vượt qua Bộ Tài chính Trung Quốc để trở thành cổ đông lớn nhất của họ. Huarong từng làm chao đảo thị trường tín dụng châu Á vào hai năm trước khi không công bố báo cáo thường niên đúng hạn, và cuối cùng đã tiết lộ khoản lỗ khổng lồ cho năm 2020.
Trung Quốc đã tạo ra Cinda, Great Wall, Orient và Huarong để mua nợ xấu từ các ngân hàng sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 90. Các công ty này sau đó đã mở rộng ra ngoài nhiệm vụ ban đầu, họ tạo ra một mê cung các công ty con để tham gia vào các hoạt động kinh doanh tài chính khác, bao gồm cả hoạt động cho vay ngầm.
Tháng 3/2023, Trung Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục tăng cường cải cách tài chính, siết chặt các quy định và đảm bảo tất cả bên liên quan chịu trách nhiệm đầy đủ để bảo vệ hệ thống tài chính khu vực và hệ thống.
Là một phần của cuộc cải cách được công bố vào hồi tháng 3 vừa qua, các nhà chức trách đã thành lập Cơ quan quản lý Tài chính quốc gia mở rộng và nâng cấp Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc để giải quyết các xung đột và vấn đề tồn tại từ lâu trong lĩnh vực tài chính quốc gia.