Trung Quốc đang toan tính gì khi phản ứng về đảo chính tại Myanmar?

Trung Quốc duy trì phản ứng thận trọng, hạn chế chỉ trích Myanmar, đối lập với cách phản ứng của Mỹ và phương Tây.

Ảnh chụp năm 2019 khi lãnh đạo đảng cầm quyền Myanmar, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh, theo hãng tin AP.

Phản ứng thận trọng

Trước khi diễn ra đảo chính tại Myanmar, quan hệ giữa đất nước Đông Nam Á này với Trung Quốc đã rất phức tạp. Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào hạ tầng Myanmar nhưng bên cạnh đó lại không ít lần xảy ra xung đột với quân đội Myanmar liên quan tới các chiến dịch quân sự của nước này dọc đường biên giới giữa hai nước.

Quân đội Myanmar thực hiện chiếm quyền lãnh đạo của Đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bắt giữ hàng trăm quan chức đặc biệt là lãnh đạo Đảng Aung San Suu Kyi chỉ sau chưa đầy một năm kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện ủng hộ bà Aung trong chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc tới Myanmar từ năm 2001 và đưa ra 33 thỏa thuận trên một loạt vấn đề.

Hiện nay, Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hliang lên nắm quyền, thành lập Hội đồng Hành chính Quốc gia và đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp 1 năm.

Đến thời điểm này, phản ứng của Bắc Kinh rất thận trọng, đối lập hoàn toàn với phản ứng từ Mỹ và các nước phương Tây.

Chính quyền Bắc Kinh không lên án cuộc đảo chính và nhấn mạnh nên để các bên nội bộ Myanmar tự giải quyết, theo Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

Trước đó, khi có thông tin đảo chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Trung Quốc đang đánh giá tình hình, gọi Myanmar là “láng giềng hữu nghị”, kêu gọi Myanmar xử lý tình hình phù hợp với luật pháp, hiến pháp, duy trì ổn định chính trị, xã hội.

Mới nhất, trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) hôm 2/2, với tư cách là một thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết đối với mọi đề xuất, Trung Quốc lại kêu gọi cộng đồng quốc tế bình tĩnh và không nên thực hiện bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng ở Myanmar.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Chúng tôi đã duy trì liên lạc với tất cả các bên liên quan và vấn đề sẽ được thảo luận tại HĐBA LHQ”.

Người phát ngôn Trung Quốc nhấn mạnh: “Bất kỳ hành động nào của cộng đồng quốc tế đều phải đảm bảo lợi ích cho sự ổn định chính trị và xã hội ở Myanmar và phải là một giải pháp hòa bình, thay vì làm trầm trọng và phức tạp thêm tình hình căng thẳng”.

Trong bối cảnh này, theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc có thể nổi lên đóng vai trò quan trọng đối với Myanmar, đặc biệt là khi Mỹ và chính quyền phương Tây chỉ trích và chuẩn bị trừng phạt.

Bắc Kinh nhìn thấy lợi ích gì?

Nói quan hệ Trung Quốc và Myanmar phức tạp vì có giai đoạn lịch sử, Trung Quốc và quân đội Myanmar đối đầu khá gay gắt đặc biệt liên quan tới các chiến dịch chống lại các nhóm thiểu số Trung Quốc, buôn bán thuốc phiện dọc biên giới miền núi giữa hai nước.

Khoảng 1 thập kỷ trước, có lúc Myanmar bùng nổ phản ứng dữ dội, chống lại sự chi phối của Trung Quốc đối với nền kinh tế Myanmar.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Bắc Kinh lại đầu tư hàng tỉ USD vào các hoạt động khai khoáng, dầu mỏ, đường ống dẫn khí đốt, nhiều hạ tầng khác và là đối tác thương mại lớn nhất, trong cam kết đầu tư tới 21.5 tỉ USD.

Mới tuần trước, một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu dự án cảng nước sâu tại Kyaukphyu, bờ biển phía Tây Bắc nước này, bắt đầu tìm đấu thầu để đánh giá tác động môi trường của dự án.

Ảnh chụp đầu tháng 1/2021 trong cuộc gặp của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Do đó, hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, bất chấp tình hình chính trị nội bộ phức tạp, Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại Myanmar thông qua các dự án lớn đang thực hiện cũng như qua sự tham gia sâu rộng của Trung Quốc trong hàng loạt doanh nghiệp từ casino đến các nhà máy, phát triển bất động sản tới đường ống dẫn và cảng.

Mặt khác, các tướng lĩnh quân đội Myanmar đang kiểm soát rất nhiều mảng lớn trong nền kinh tế. Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, đang nắm quyền điều hành nước này, là nhà đầu tư chính trong Tập đoàn Myanma Economic Holdings do quân đội thành lập từ năm 1990 và đã thực hiện rất nhiều dự án lớn với các Tập đoàn Trung Quốc như dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung.

Đối lập với đó, sau gần 1 thập kỷ Myanmar cải cách và từng bước mở cửa kinh tế, Mỹ cùng một số doanh nghiệp phương Tây khác vẫn rất dè chừng đầu tư vào Myanmar. Thậm chí, chính phủ phương Tây từng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Min Aung Hliang cùng một số lãnh đạo quân đội hàng đầu, doanh nghiệp liên quan tới cáo buộc nhân quyền. Do đó, trong chính biến lần này mà Mỹ chính thức gọi là "đảo chính", phương Tây khó có thể thuyết phục quân đội Myanmar khôi phục lại quyền dân sự.

Cân nhắc cán cân ảnh hưởng của Trung Quốc và phương Tây với Myanmar hiện nay, có lẽ Bắc Kinh sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Nhân cơ hội này “Trung Quốc sẽ có đòn bẩy vững chắc để kéo Myanmar tham gia sâu hơn vào những kế hoạch riêng của Trung Quốc trong phát triển kinh tế” - ông John G. Dale, Giáo sư tại Đại học George Mason, bang Virginia nhận định.

“Trung Quốc có lợi ích chiến lược tại trong việc đảm bảo Myanmar ổn định nhất có thể” - hãng tin AP dẫn lời ông Chris Ankersen, Giáo sư đến từ Trung tâm Các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học New York nhận định.

Về phía chính quyền quân sự Myanmar, với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài lớn nhất là Trung Quốc, chính quyền này có thể phần nào chống đỡ những đòn trừng phạt mạnh từ phía Mỹ - điều mà chắc chắn ông Min Aung Hlaing đã tính đến khi ra quyết định lật đổ chính quyền dân cử - theo các nhà nghiên cứu Gregory B. Poling và Simon Tran Hudes đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington.

Hơn nữa, chính những doanh nghiệp mà quân đội đứng sau cũng có thể tận dụng để giành được nhiều lợi ích kinh tế, thông qua xây dựng quan hệ với Trung Quốc.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-dang-toan-tinh-gi-khi-phan-ung-ve-dao-chinh-tai-myanmar-d494976.html