Trung Quốc đáp trả chỉ trích của Úc về thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc Úc phản đối hiệp ước an ninh của họ với Quần đảo Solomon là đang vi phạm chủ quyền và Canberra không có quyền đặt ra bất kỳ 'lằn ranh đỏ' nào với Bắc Kinh.

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc ngày 28-4 cho rằng việc Úc phản đối hiệp ước an ninh của họ với Quần đảo Solomon là một “sự vi phạm chủ quyền do thực dân gây ra” và nhấn mạnh Canberra không có quyền đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào với Bắc Kinh.

Phản ứng của Bắc Kinh được đưa ra vài ngày sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison cảnh báo nếu Trung Quốc cho xây dựng một căn cứ quân sự ở Solomon thì đây sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với chính phủ của ông.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi khẳng định những cáo buộc cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ hải quân trên quần đảo Solomon là “tin tức giả mạo hoàn toàn”. Ông đồng thời chỉ trích chính phủ và truyền thông Úc đang cố tình bóp méo sự thật và gia tăng căng thẳng.

“Sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Solomon theo hiệp ước an ninh mới sẽ liên quan đến việc duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai” - ông Đàm nhắc lại.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi. Ảnh: SCMP

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi. Ảnh: SCMP

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến với chính quyền các quốc đảo Thái Bình Dương cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho biết việc đàm phán và ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh là “quyền thiêng liêng của hai quốc gia có chủ quyền”, phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, và không ai có quyền chỉ trích Trung Quốc.

“Dựa trên cơ sở nào mà Úc có thể vẽ ra một ‘lằn ranh đỏ’ tại quần đảo Solomon cách họ 2.000 km và Trung Quốc, cách họ tới 10.000 km? Nếu không phải là hành vi xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác, can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và vi phạm các quy tắc quốc tế, thì đây là gì?” - ông Tạ đặt câu hỏi.

Theo ông, Úc đang đưa ra "thông tin sai lệch, phỉ báng, ép buộc và đe dọa", là bằng chứng cho thấy nước này vẫn "bị ám ảnh trước chủ nghĩa thực dân và ngoại giao cưỡng bức, cố gắng hết sức kiểm soát các đảo ở Thái Bình Dương để duy trì phạm vi ảnh hưởng".

“Thái Bình Dương là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực, không phải là ‘sân sau’ hay ‘sân cỏ’ của ai đó mà nên là một ‘sân khấu’ cho sự hợp tác quốc tế, không phải là một bàn cờ cho các trò chơi địa chính trị” - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Ông khẳng định thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon là “cởi mở và minh bạch và không nhắm mục tiêu vào các bên thứ ba” và cho biết Bắc Kinh hiểu rõ những thách thức về biến đổi khí hậu mà các quốc đảo đang phải đối mặt và sẵn sàng trợ giúp “với tư cách là một người bạn, một đối tác và một người anh em tốt”.

Thủ tướng Solomons Manasseh Sogavare và Đại sứ Trung Quốc Lê Minh dự lễ khai trương một tổ hợp sân vận động do Trung Quốc tài trợ ở Honiara vào ngày 22-4. Ảnh: AFP

Thủ tướng Solomons Manasseh Sogavare và Đại sứ Trung Quốc Lê Minh dự lễ khai trương một tổ hợp sân vận động do Trung Quốc tài trợ ở Honiara vào ngày 22-4. Ảnh: AFP

Tham dự sự kiện với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc có các quan chức từ Quần đảo Solomon, Kiribati, Niue, Samoa, Tonga, Micronesia, Kiribati, Fiji và Vanuatu.

“Trung Quốc không đạt được bất kỳ lợi ích riêng nào trong việc phát triển quan hệ và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương. Chúng tôi không tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng hay tham gia vào việc bắt nạt và ép buộc nào mà sẽ luôn là lực lượng mang tính xây dựng vì hòa bình và phát triển” - ông Tạ tuyên bố.

Kể từ khi được công bố vào tuần trước, hiệp ước an ninh Trung Quốc-Solomon đã làm dấy lên những lo ngại mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand đã cáo buộc thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Solomon gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với mục tiêu xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Nhà Trắng cảnh cáo nếu Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự dài hạn hay phát triển sức mạnh quân sự ở đây, Washington sẽ đáp trả thích đáng.

Chính quyền Nhật hôm 25-4 nói rằng thỏa thuận giữa Solomon với Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi New Zealand cũng nêu lên mối lo ngại về nguy cơ hiệp ước an ninh có thể gây bất ổn cho khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho rằng “thực tế Trung Quốc đã thay đổi và trở nên cực kỳ hung hăng, thường xuyên can thiệp các hoạt động nước ngoài, sẵn sàng hối lộ để đạt được mục tiêu của mình”.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-quoc-dap-tra-chi-trich-cua-uc-ve-thoa-thuan-an-ninh-voi-quan-dao-solomon-post677969.html