Trung Quốc đáp trả việc Mỹ áp thuế hàng hóa 10%
Ngày 4/2, Trung Quốc tiến hành áp thuế bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả động thái áp thuế 25% lên hàng hóa nước này của Tổng thống Donald Trump.
Bắt đầu từ 12h01 ngày 4/2, mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ bắt đầu có hiệu lực – một động thái được tiến hành sau khi Tổng thống Donald Trump liên tục cảnh báo Bắc Kinh rằng nước này chưa đủ tích cực trong việc ngăn chặn dòng ma túy bất hợp pháp vào Mỹ.
Chỉ trong vòng vài phút sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và LNG của Mỹ cũng như 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô. Mỹ là nguồn cung cấp dầu thô tương đối nhỏ cho Trung Quốc khi chỉ chiếm 1,7% lượng dầu nhập khẩu của nước này vào năm 2024, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Trong khi đó, chỉ hơn 5% lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Mỹ.
Nước này cũng tuyên bố đang bắt đầu một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google và đưa PVH Corp - công ty mẹ của các thương hiệu như Calvin Klein và Tommy Hilfiger – cũng như công ty công nghệ sinh học Illumina vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy".
Ngoài ra, trong các thông báo riêng biệt, Bộ Thương mại Trung Quốc và Cục Hải quan Trung Quốc cũng thông báo về việc áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại đất hiếm và kim loại quan trọng đối với các tiện ích công nghệ cao và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Chính sách thuế mới của Trung Quốc đối với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2. Với thời hạn này, Washington và Bắc Kinh sẽ có một khoảng thời gian ngắn để tiến hành đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận. Hãng tin Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump có kế hoạch thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này.
Ngoài Trung Quốc, Canada và Mexico cũng đứng trước nguy cơ bị áp thuế 25% từ Mỹ, tuy nhiên thời hạn 4/2 ban đầu đã được trì hoãn trong 30 ngày sau khi hai quốc gia trên đưa ra một số cam kết. Cụ thể, Canada đã đồng ý triển khai công nghệ và nhân sự mới dọc theo biên giới với Mỹ, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực hợp tác chống lại tội phạm có tổ chức, buôn lậu fentanyl và rửa tiền.
Trong khi đó, Mexico đồng ý tăng cường biên giới phía bắc của mình khi bổ sung 10.000 thành viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy. Ngược lại, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết chính phủ Mỹ cũng đã cam kết ngăn chặn việc buôn bán vũ khí hạng nặng vào nước này.
Phát biểu trên mạng xã hội Truth Social ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Là Tổng thống, tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tất cả người Mỹ và tôi đang làm như vậy. Tôi rất hài lòng với kết quả ban đầu này”. Ông cũng cho biết sẽ cố gắng đàm phán các thỏa thuận kinh tế trong tháng tới với 2 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Trước đó ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cũng như 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/2 nhằm chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn bán fentanyl. Đây là một loại chất thuộc loại thuốc giảm đau nhưng cũng là loại chất ma túy nguy hiểm. Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó có độc tính rất mạnh dẫn đến tử vong cho người sử dụng bất hợp pháp.
Do lo ngại từ một số tiểu bang cùng các nhà máy lọc dầu, ông Trump chỉ áp thuế 10% đối với các sản phẩm năng lượng từ Canada, trong khi hàng nhập khẩu năng lượng từ Mexico phải chịu mức thuế đầy đủ là 25%. Tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết Canada cũng sẽ không được miễn thuế "de minimis" đối với các lô hàng nhỏ dưới 800 USD – những lô hàng bị các quan chức Mỹ nhiều lần cáo buộc là cầu nối cho fentanyl và các hóa chất tiền chất tiến vào Mỹ.
Vào thời điểm đó, Canada đã đưa ra tuyên bố sẽ trả đũa ngay lập tức. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tối ngày 1/2 trong một cuộc họp báo tuyên bố nước này sẽ đáp trả quyết định áp thuế 25% đối với hàng xuất khẩu của Canada sang Mỹ của Tổng thống Donald Trump bằng cách áp dụng mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 155 tỷ đô của Mỹ mà không nêu rõ là USD hay CAD.
Về phía Mexico, Tổng thống Claudia Sheinbaum trong một bài đăng trên X cùng ngày cho biết bà đã chỉ thị cho Bộ trưởng Kinh tế "thực hiện Kế hoạch B, bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích của Mexico".
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-dap-tra-viec-my-ap-thue-hang-hoa-10-37970.html