Tổng thống Sri Lanka cam kết sẽ nỗ lực tái thiết nền kinh tế đất nước

Tổng thống Dissanayake khẳng định sẽ cải thiện mức sống của tất cả người dân Sri Lanka trong nhiệm kỳ của mình, mang đến cho họ cơ hội tận hưởng những đổi mới khoa học và công nghệ hiện đại.

Ông Anura Kumara Dissanayake tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Colombo ngày 23/9/2024. (Ảnh: AATTXVN)

Ông Anura Kumara Dissanayake tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Colombo ngày 23/9/2024. (Ảnh: AATTXVN)

Phát biểu tại sự kiện trọng đại này, Tổng thống Anura Kumara Dissanayake đã cam kết sẽ nỗ lực tái thiết nền kinh tế đất nước trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Tổng thống Dissanayake khẳng định sẽ cải thiện mức sống của tất cả người dân Sri Lanka trong nhiệm kỳ của mình, mang đến cho họ cơ hội tận hưởng những đổi mới khoa học và công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi người dân Sri Lanka đoàn kết để giành lấy tự do kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời nêu rõ: “Mọi người đều có vai trò trong cuộc đấu tranh này."

Sau bài phát biểu của Tổng thống Dissanayake là cuộc duyệt binh. Để phù hợp với chính sách của chính phủ về giảm thiểu chi tiêu ngân sách khi quốc đảo này đang vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2022, lễ kỷ niệm năm nay đã diễn ra một cách khiêm tốn song vẫn phô diễn được sức mạnh quân sự. Theo đó, chỉ có 1.800 quân nhân được triển khai trong cuộc duyệt binh, giảm hơn 1.500 nhân sự so với năm ngoái. Từ 19 máy bay năm ngoái, lễ kỷ niệm năm nay chỉ có ba chiếc.

Sri Lanka, quốc gia giành được độc lập từ Anh vào năm 1948, đã hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2022, buộc quốc đảo này phải tuyên bố phá sản.

Sri Lanka cũng đình chỉ trả khoảng 83 tỷ USD cho các khoản vay trong và ngoài nước giữa lúc khủng hoảng ngoại hối dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, nhiên liệu và khí đốt trầm trọng cũng như cắt điện kéo dài hàng giờ.

Khi tuyên bố phá sản, Sri Lanka đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và được phê duyệt gói cứu trợ 4 năm trị giá 2,9 tỷ USD vào năm 2023 với yêu cầu Sri Lanka buộc phải cơ cấu lại khoản nợ của mình.

Cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra biến động chính trị và cuối cùng đã mở đường cho đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) của ông Dissanayake giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 tháng.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Dissanayake, Sri Lanka đang cố gắng thoát khỏi tình trạng phá sản bằng cách tái cơ cấu khoản nợ lớn.

Vào tháng 9/2024, Sri Lanka tuyên bố đã hoàn tất quá trình cơ cấu lại nợ sau khi đạt được thỏa thuận với các chủ nợ song phương, đa phương và chủ sở hữu trái phiếu tư nhân. Sri Lanka đang tìm cách nhận được khoản cứu trợ nợ trị giá 17 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-sri-lanka-cam-ket-se-no-luc-tai-thiet-nen-kinh-te-dat-nuoc-post1010539.vnp