Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% năm 2024

Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại - tức Quốc hội) khóa XIV đã khai mạc sáng 5/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng gần 3.000 đại biểu đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đã tham dự hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nước này.

Báo cáo công tác của Chính phủ do Thủ tướng Lý Cường trình bày tại phiên khai mạc nêu rõ, trong năm 2023, Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, bất chấp khó khăn và thách thức trong và ngoài nước. Tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 đạt 5,2%. Trung Quốc đã tạo thêm được 12,44 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này ở mức trung bình là 5,2%.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa XIV tại Đại lê đường Nhân dân sáng 5/3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa XIV tại Đại lê đường Nhân dân sáng 5/3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng Lý Cường cũng thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và khó khăn, thách thức đang gặp phải: “Tính phức tạp, nghiêm trọng, bất ổn của môi trường bên ngoài gia tăng. Nền tảng để tiếp tục phục hồi và cải thiện nền kinh tế chưa vững chắc, nhu cầu hiệu quả chưa đủ, kỳ vọng xã hội còn yếu, nhiều rủi ro còn tiềm ẩn. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động gặp khó khăn. Áp lực tạo việc làm và những mâu thuẫn về cơ cấu cùng tồn tại. Những khâu yếu kém trong an toàn sản xuất không thể coi nhẹ. Công tác chính phủ còn bất cập, chủ nghĩa hình thức, quan liêu vẫn nổi cộm. Vấn đề tham nhũng trong một số lĩnh vực vẫn còn phổ biến...”.

Về định hướng trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là khoảng 5%, tạo thêm 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị trong năm nay và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%. Nước này cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 dự kiến khoảng 3%, nhưng sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược bằng cách phát hành 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT) trái phiếu chính phủ đặc biệt. Ngoài ra, từ năm nay, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn trong vài năm liên tiếp. Theo các nhà phân tích, việc phát hành trái phiếu cùng với bội chi 3% và hạn ngạch phát hành 3,9 nghìn tỷ NDT cho chính quyền địa phương, nhiều hơn 100 tỷ so với năm 2023, sẽ đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp, chính sách nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản, đảm bảo sự ổn định tài chính và kinh tế đất nước. Để cải thiện môi trường tiêu dùng trong nước, Trung Quốc sẽ triển khai chương trình kích thích tiêu dùng trong năm 2024. Việc phát triển chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo cũng sẽ được thúc đẩy, trong đó các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Về quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, báo cáo nêu rõ Trung Quốc sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng về năng lượng, hướng tới việc phát triển nền kinh tế xanh, phát thải ít carbon và bảo vệ môi trường. Trung Quốc sẽ củng cố và nâng cao vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghiệp như phát triển phương tiện chạy bằng năng lượng mới và sử dụng công nghệ thông minh. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ mang tính tiên phong và đột phá. Khái niệm này lần đầu tiên được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thị sát hồi tháng 9/2023 tới vùng Đông Bắc nước này và được nhắc đến tại nhiều cuộc họp cấp cao của Trung Quốc thời gian gần đây. Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ nỗ lực hướng đến việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo chương trình nghị sự đã được công bố ngày 4/3, Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa XIV diễn ra từ ngày 5-11/3. Ngoài các nghị trình thường niên, như xem xét và thảo luận một loạt báo cáo, trong đó có báo cáo công tác của Chính phủ; báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia năm 2023 và dự thảo kế hoạch năm 2024; dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia năm 2024; báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách trung ương và địa phương năm 2023 và dự toán ngân sách trung ương và địa phương năm 2024; báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…, kỳ họp còn xem xét dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên bộ luật này được sửa đổi sau hơn 40 năm.

Kỳ họp được tổ chức vào thời điểm Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), vì vậy càng có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024 sẽ cho phép nước này đạt được mục tiêu đề ra trước đó là tăng gấp đôi tổng lượng kinh tế hoặc thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035, dù đây là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi Trung Quốc phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích tài chính hơn nữa.

Trước đó, chiều 4/3, tại Đại lễ đường Nhân dân, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc (Chính Hiệp) - cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc - đã khai mạc Kỳ họp lần thứ hai khóa XIV. Hai cuộc họp được tổ chức riêng biệt nhưng cùng thời điểm, được gọi chung là “lưỡng hội”, thu hút sự chú ý từ trong lẫn ngoài nước, bởi tại đó Trung Quốc sẽ công bố những chính sách quan trọng. Theo bình luận của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lưỡng hội đóng vai trò là “phát súng khởi đầu” để Trung Quốc tiến lên trong năm mới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/trung-quoc-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-5-nam-2024-i724432/