Trung Quốc: Dấu mốc mới trong chinh phục không gian
Tàu vũ trụ Thần Châu-16 rời Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền (tỉnh Cam Túc) sáng 30-5, có sự tham gia của phi hành gia dân sự đầu tiên - giáo sư Gui Haichao (Quế Hải Triều, 36 tuổi)
Theo cập nhật từ Tân Hoa xã chiều cùng ngày, Thần Châu-16 đã cập bến thành công với tổ hợp trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong). Tàu vũ trụ này có phi hành đoàn gồm 3 người, sẽ tiếp quản công việc ở trạm Thiên Cung cho phi hành đoàn Thần Châu-15 trước đó.
Thần Châu-16 cũng là sứ mệnh có sự tham gia của phi hành gia dân sự đầu tiên - giáo sư Gui Haichao, một chuyên gia về tải trọng từ Trường ĐH Beihang (tên cũ là Trường ĐH Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh).
Ông sẽ bay cùng người đứng đầu sứ mệnh là Thiếu tướng Jing Haipeng (Cảnh Hải Bằng), cũng như giáo sư hàng không vũ trụ Zhu Yangzhu (Chu Dương Trụ).
"Là chuyên gia tải trọng đầu tiên của Trung Quốc bay vào vũ trụ, tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc. Vai trò mới trong các sứ mệnh không gian và những cơ hội mới trong khoa học vũ trụ đã trở thành hiện thực, nhờ vào giai đoạn mới của trạm vũ trụ Trung Quốc" - tờ South China Morning Post dẫn lời giáo sư Gui, người đã lập tức đăng ký khi Trung Quốc tuyển chuyên gia tải trọng dân sự lần đầu tiên vào năm 2018.
Tại trạm vũ trụ Thiên Cung, ông Gui sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo trì, vận hành các thiết bị và kiểm soát các điều kiện thí nghiệm, cũng như thu thập, tổ chức và phân tích dữ liệu. Trước ông Gui, toàn bộ phi hành gia trong các sứ mệnh của nước này đều thuộc Quân đội Trung Quốc.
Sự kiện đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc chạy đua vào không gian mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đầu tư hàng tỉ USD nhằm nỗ lực bắt kịp Mỹ và Nga. Đích đến của Thần Châu-16 - trạm vũ trụ Thiên Cung hoạt động từ năm 2021 - được coi là viên ngọc quý trong chương trình không gian của Trung Quốc, bên cạnh các tàu đổ bộ dạng robot thám hiểm mặt trăng và sao Hỏa.
Mô-đun cuối cùng của Thiên Cung đã kết nối thành công với cấu trúc lõi vào năm 2022. Theo Tân Hoa xã, trạm này mang theo một số thiết bị khoa học tiên tiến bao gồm hệ thống đồng hồ nguyên tử lạnh đặt trên không gian đầu tiên trên thế giới.
Dấu mốc quan trọng thứ 2 chính là việc Thần Châu-16 là sứ mệnh đầu tiên tới Thiên Cung kể từ khi trạm này bước vào giai đoạn "ứng dụng và phát triển" sau thời gian hoạt động thử nghiệm.
"Sứ mệnh sẽ thực hiện các thí nghiệm quy mô lớn trên quỹ đạo nhằm nghiên cứu các hiện tượng lượng tử mới lạ, các hệ tần số không - thời gian có độ chính xác cao, xác minh thuyết tương đối rộng và nguồn gốc của sự sống" - người phát ngôn Lin Xiquiang của Cơ quan Sứ mệnh không gian có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết tại cuộc họp báo hôm 29-5.
Các kế hoạch cho giấc mơ chinh phục không gian của Trung Quốc liên tục được mở rộng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo CMSA, bước tiến lớn tiếp theo sẽ là kế hoạch hạ cánh sứ mệnh có người lái trên mặt trăng vào năm 2030, thám hiểm và thực hiện các kế hoạch công nghệ cao phục vụ cho tham vọng về căn cứ mặt trăng trong tương lai.
Một "lực đẩy" quan trọng khác cho tham vọng không gian này là một nhà máy tên lửa với quy mô "chưa từng có" đang xây dựng, có thể sản xuất tới 50 tên lửa Trường Chinh 8 mỗi năm. Trường Chinh 8 là dạng tên lửa giá rẻ có thể chứa hơn 20 vệ tinh liên lạc cỡ vệ tinh Starlink nổi tiếng của Tập đoàn SpaceX (Mỹ).
Dây chuyền lắp ráp mới sẽ giúp nước này tăng gần gấp đôi công suất phóng tên lửa để gửi 1.000 vệ tinh vào không gian mỗi năm, tương đương với tốc độ của SpaceX hiện tại, đồng thời triển khai một "chòm sao vệ tinh khổng lồ" bên trên chùm vệ tinh Starlink.