Trung Quốc đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, thêm thách thức cho doanh nghiệp Việt?
Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng nhiều tổng kho hàng hóa thương mại điện tử (TMĐT) tại khu vực biên giới Việt Trung nhằm đẩy mạnh đưa hàng hóa sang thị trường Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này được cho là đang tạo ra thêm không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt trong cuộc đua thị phần bán hàng trên TMĐT.
Nhiều tổng kho thương mại điện tử của Trung Quốc đang ồ ạt mọc lên tại các địa bàn sát biên giới Việt Trung như Hà Khẩu, Quảng Châu,... do Chính phủ nước này áp dụng nhiều chính sách ưu tiên phát triển thương mại xuyên biên giới.
Hàng hóa Trung Quốc thêm lợi thế
Cụ thể, tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) giáp với tỉnh Lào Cai (Việt Nam), Trung Quốc dự kiến xây dựng khu tích hợp kho bãi, chế biến xuất nhập khẩu, hậu cần hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới. Dự án Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN ở khu vực này đã chính thức đi vào đầu tư giai đoạn 2, sau thời gian hoạt động từ năm 2020 với khoảng 150 công ty.
Vị trí của khu công nghiệp này vô cùng thuận lợi cho hoạt động giao thương với Việt Nam khi chỉ cách Hà Nội 295 km và cách cảng Hải Phòng 416 km và nằm ngay gần ga xe lửa Bắc Hà Khẩu, thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa.
Được biết, sau khi dự án hoàn thành, các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).
Tại Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), nằm giáp với TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.
Tỉnh Quảng Châu của nước này cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử với tổng diện tích xây dựng khoảng 44.000 m2.
Việc xây dựng các kho, nhà xưởng, khu công nghiệp TMĐT quy mô lớn tại các tỉnh giáp biên giới Việt Trung thể hiện rõ kế hoạch của quốc gia tỷ dân trong việc phát triển TMĐT xuyên biên giới, hướng đến Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung.
Nếu những dự án này hoàn thành, Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực logistic và vận tải hàng hóa. Thay vì phải tìm đến những đơn vị vận chuyển trung gian giữa 2 nước và mất nhiều thời gian khoảng 10-15 ngày cho vận chuyển hàng hóa như hiện tại, Trung Quốc có thể làm giảm bớt chi phí vận chuyển và cả thời gian giao hàng đến tay người tiêu dùng Việt Nam chỉ còn từ 3-4 ngày, từ đó tăng mạnh lợi thế cạnh tranh.
Điều này có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc có thêm ưu thế để thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường các sàn TMĐT dẫn đầu thị phần Việt Nam như Shopee, Lazada, TiktokShop,... bên cạnh những lợi thế đã sẵn có như giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, cước vận chuyển thấp,...
Doanh nghiệp Việt đối diện với thách thức?
Việc các tổng kho thương mại điện tử ồ ạt mọc lên sát biên giới Việt Trung cùng sự đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc sẽ khiến hàng hóa Việt Nam phải chịu thêm cạnh tranh gay gắt trên các sàn TMĐT. Điều này chắc chắn sẽ tạo nhiều thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, điện tử,... trong cuộc chiến giành thị phần TMĐT vốn đã rất khốc liệt.
Phải đứng trước một đối thủ mạnh hơn về nhiều mặt như sản phẩm, công nghệ, chiết khấu, hạ tầng logistic,... là rất áp lực, xong theo ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh tại Metric, các doanh nghiệp Việt không hẳn là không có lợi thế.
“Rõ ràng, chúng ta có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ, thấu hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đồng thời dễ dàng tiếp cận với các công cụ nghiên cứu thị trường nhanh chóng, bài bản”, ông Trung nhìn nhận. Việc tận dụng tốt các lợi thế này vẫn có thể giúp các doanh nghiệp đứng vững tại thị trường nội địa.
Trước tình hình hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần tập trung đổi mới, thay đổi và chuyên nghiệp hóa. Chuyên gia TMĐT Đỗ Quang Huy cho rằng, nhà bán hàng trong nước không thể bán hàng tràn lan như trước mà cần có sự thích ứng linh hoạt, nắm vững lợi thế hiểu biết về văn hóa, lối sống địa phương, cần tận dụng lực lượng KOL/KOC đông đảo để định hướng người dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người bán có thể khai thác các mặt hàng thế mạnh như nông sản, thực phẩm khô, mỹ phẩm hữu cơ… hay đẩy mạnh mặt hàng dễ sản xuất ở Việt Nam. Ngoài ra, người bán cũng nên tập trung thiết kế, phát huy thế mạnh sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu để tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt thông qua đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác. Liên doanh liên kết tạo sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang TMĐT,...
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia nhìn nhận việc xây dựng các tổng kho hàng hóa thương mại điện tử sát biên và đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc không chỉ gây thách thức mà đồng thời cũng tạo cơ hội. Đại diện Metric đánh giá sự hiện diện của những kho hàng này sẽ là cú hích kích thích quy mô TMĐT Việt Nam, đồng thời đem lại doanh thu hấp dẫn cho các nhà bán hàng nhờ việc mở rộng không gian mua sắm. Đây cũng là cơ hội người bán Việt Nam có thể tận dụng ngược lại để khai thác, đưa các sản phẩm tiềm năng để đưa đến tay khách hàng quốc tế.