Trung Quốc đề nghị sớm xây dựng cửa khẩu thông minh với Việt Nam
Năm 2024, quy mô thương mại giữa Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc) đạt 41,6 tỷ USD, duy trì 26 năm liên tiếp Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Mở rộng quy mô thương mại Việt Nam - Quảng Tây
Ngày 19/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với ông Trần Cương - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc nhân dịp sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội đàm, ông Nguyễn Hồng Diên đã chúc mừng Bí thư Trần Cương được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tin tưởng giao nhiệm vụ làm Bí thư Khu ủy Quảng Tây. Đồng thời đánh giá cao việc Bí thư lựa chọn Việt Nam làm điểm đến nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, thể hiện sự coi trọng của Quảng Tây đối với quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội đàm (Ảnh: MOIT).
Nói về những thành quả đạt được trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Quảng Tây trong thời gian qua, ông Diên cho biết quy mô thương mại năm 2024 đã đạt 41,6 tỷ USD tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam duy trì 26 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Nhận định vị trí và vai trò quan trọng trong hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam với Quảng Tây, Bộ trưởng đề nghị ông Trần Cương quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành của Quảng Tây phối hợp triển khai nhiều nội dung hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Cụ thể, cùng thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại Việt Nam - Quảng Tây. Trong đó phối hợp duy trì ổn định chuỗi cung ứng, phân luồng hiệu quả hàng hóa giữa các cửa khẩu biên giới, nhất là đối với mặt hàng nông sản, thủy sản.
Tăng cường hợp tác nâng cấp cơ cấu công nghiệp Việt Nam – Quảng Tây, trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ và tin học vào tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nhân lực ngành chế biến, chế tạo.
"Đề nghị phía Quảng Tây tích cực thúc đẩy công tác ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác liên kết điện giữa Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu phương án hợp tác liên kết điện qua hướng Quảng Tây – Quảng Ninh thông qua đường dây một chiều siêu cao áp", ông Diễn đề cập.
Phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 và Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, làm điểm sáng đóng góp tích cực vào thành quả của “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc”.
Thí điểm Cửa khẩu thông minh biên giới
Tại hội đàm, Bí thư Trần Cương cho biết, phía Quảng Tây sẵn sàng triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao 2 nước, tạo điều kiện và đóng góp tích cực vào hợp tác chất lượng cao Việt Nam – Trung Quốc.
Bí thư Trần Cương đánh giá tích cực thành quả hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây thời gian qua, bày tỏ vui mừng khi quy mô thương mại với Việt Nam hiện chiếm tỉ trọng khoảng 39,1% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây.
Trong đó, xuất nhập khẩu trái cây giữa Quảng Tây và Việt Nam chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc và ASEAN; xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới tăng trưởng 41,3% so với cùng kỳ 2023…

Ông Trần Cương - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc (Ảnh: MOIT).
Bí thư Quảng Tây đề nghị Quảng Tây và Bộ Công Thương cần tiếp tục tăng cường hợp tác, tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng cho quan hệ kinh tế, thương mại 2 nước. Đồng thời kiến nghị một số biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương như phối hợp tổ chức tốt Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 22.
Cùng thúc đẩy hợp tác ngành nghề qua biên giới, tăng cường hợp tác trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử. Thúc đẩy xây dựng thí điểm Cửa khẩu thông minh biên giới Trung Quốc – Việt Nam, thúc đẩy xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm kiểm dịch nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc…
Những nội dung phía Quảng Tây quan tâm, thúc đẩy đều được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phản hồi, trao đổi tích cực. Ngoài ra cũng bổ sung thêm những định hướng, giải pháp và nội hàm mới nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Trần Cương đã chứng kiến lễ trao 2 văn kiện hợp tác (Ảnh: MOIT).
Từ đó hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô và từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt – Trung trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu áp lực từ những căng thẳng thương mại giữa nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Trần Cương đã chứng kiến lễ trao 2 văn kiện hợp tác giữa ngành Công Thương với phía Quảng Tây gồm: Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 – 2026 giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Quảng Tây; và Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác ngành sản xuất giữa Sở Công Thương Quảng Ninh và Sở Thương mại Quảng Tây.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 41,6 tỷ USD tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Quảng Tây chiếm trên 95% tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc