Trung Quốc điều quân và xe bọc thép đến biên giới giáp Ấn Độ

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin binh sĩ và xe bọc thép được điều động từ tỉnh Hồ Bắc đến một địa điểm không xác định ở cao nguyên phía tây bắc, cách đó hàng nghìn cây số chỉ trong vài giờ.

Binh sĩ Trung Quốc đến một địa điểm không xác định ở cao nguyên phía tây bắc tham gia chiến dịch diễn tập - Ảnh: Weibo

Binh sĩ Trung Quốc đến một địa điểm không xác định ở cao nguyên phía tây bắc tham gia chiến dịch diễn tập - Ảnh: Weibo

CCTV phát sóng bản tin chiếu cảnh binh sĩ di chuyển bằng máy bay cùng tàu hỏa dân dụng để tham gia chiến dịch diễn tập đúng vào ngày 6.6, lúc quan chức quân sự cấp cao Trung - Ấn hội đàm tại Moldo thuộc khu vực kiểm soát thực tế (LAC) nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng bùng lên gần đây.

Trung tá Mao Lôi đứng đầu đơn vị huấn luyện thuộc không quân Trung Quốc cho biết chiến dịch diễn tập tây bắc đạt những bước đột phá quan trọng về quy mô lẫn cách thức điều quân.

“Sử dụng phương tiện giao thông dân sự mở rộng đáng kể cách vận chuyển binh sĩ, tăng hiệu quả trong triển khai toàn bộ lực lượng”, trung tá Mao phát biểu.

CCTV không tiết lộ đích đến của đoàn quân. Tờ Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) liên hệ hoạt động trên với căng thẳng biên giới với Ấn Độ thời gian qua.

Phương tiện giao thông dân sự được dùng để chuyển quân - Ảnh: Weibo

Chiến dịch diễn tập điều quân diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang bởi cuộc ẩu đả quy mô lớn giữa binh sĩ hai nước đầu tháng 5. Đây là xung đột nghiêm trọng đầu tiên kể từ sự kiện cao nguyên Doklam năm 2017 đến nay.

Sau cuộc ẩu đả, hai nước không đưa ra phát ngôn quá mạnh mẽ nhưng đều gửi hàng nghìn quân tiếp viện cùng khí tài đến biên giới. Học giả Lý Lợi thuộc Đại học Thanh Hoa nhận định Trung - Ấn sẽ không ngừng việc triển khai quân sự cho đến khi căng thẳng được giải quyết.

Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) đánh giá quân đội Trung Quốc do được huấn luyện cho tình huống xung đột biên giới nhiều năm qua nên khả năng triển khai lực lượng nhanh là điều chắc chắn. Tuy nhiên phía Ấn Độ cũng không thua kém khi liên tục phát triển mạng lưới đường bộ, đường sắt lẫn hạ tầng hàng không vùng biên giới.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/quoc-te-c-185/chuyen-dong-c-213/trung-quoc-dieu-quan-va-xe-boc-thep-den-bien-gioi-giap-an-do-139306.html