Trung Quốc điều tra 'gã khổng lồ' chip Micron: Một mũi tên trúng hai đích?

Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra an ninh mạng đối với Micron Technology, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ vào cuối tuần trước. Động thái này được cho là đòn 'trả đũa' sau khi Mỹ và các đồng minh châu Á công bố những lệnh hạn chế mới liên quan tới cuộc chiến bán dẫn căng thẳng; cũng như tạo động lực cho các công ty sản xuất chip trong nước.

 Micron là công ty bán dẫn đầu tiên của Mỹ bị Trung Quốc điều tra.

Micron là công ty bán dẫn đầu tiên của Mỹ bị Trung Quốc điều tra.

Cuối tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra đối với nhà cung cấp bộ nhớ Micron của Mỹ với lý do rủi ro an ninh quốc gia.

Cuộc điều tra, được Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố ngày 31/3, cho biết cơ quan này sẽ điều tra các sản phẩm của Micron tại Trung Quốc do “rủi ro bảo mật tiềm ẩn".

Động thái này nhằm mục đích “đảm bảo tính bảo mật của chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng do các sự cố sản phẩm ẩn gây ra và duy trì an ninh quốc gia”, CAC lưu ý.

Đáp lại, Micron chỉ tuyên bố đã nhận được thông tin về cuộc điều tra và đảm bảo tính bảo mật với các sản phẩm của mình.

Đòn đáp trả cho Mỹ và các đồng minh

Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh mở cuộc điều tra nhắm vào một công ty Mỹ. Đặc biệt, thông báo điều tra còn được công bố cùng ngày Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang các nước bao gồm cả Trung Quốc, sau các động thái tương tự của Washington và Hà Lan.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc điều tra Micron của Trung Quốc là một đòn "trả đũa" công khai với Mỹ và các đồng minh.

Được biết, sau khi Mỹ công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh cũng ngày càng gia tăng áp lực với các công ty nước ngoài, buộc họ phải tuân theo chính sách của mình.

Tháng trước, chính quyền đã đóng cửa văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group, một công ty tình báo doanh nghiệp của Mỹ và bắt giữ 5 nhân viên địa phương. Chính quyền cũng đã đình chỉ hoạt động của công ty kiểm toán Deloitte tại Bắc Kinh trong vòng 3 tháng và phạt 31 triệu USD vì cáo buộc sai sót trong công việc kiểm toán một công ty quản lý nợ khó khăn thuộc sở hữu nhà nước.

Những động thái mới có nguy cơ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn đã trở nên tồi tệ hơn trong vài tháng qua và ngày càng lan rộng ra nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, gây ra những hệ quả khôn lường.

Tạo niềm tin cho ngành chip trong nước

Tuy nhiên, xét trên góc độ khác, cuộc điều tra của Trung Quốc với Micron rõ ràng đang tạo động lực các công ty hoạt động trong ngành chip của Bắc Kinh.

Bằng chứng là cổ phiếu chip của Trung Quốc tăng mạnh sau khi thông tin về cuộc điều tra được công bố, khi các nhà đầu tư đặt cược nỗ lực tự lực cánh sinh của nước này trong lĩnh vực chip có thể thúc đẩy các công ty bán dẫn của quốc gia này.

Chỉ số CNI Chips, theo dõi các cổ phiếu lớn nhất trong ngành bán dẫn ở Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, đã tăng tới 5,2% vào thứ Hai (3/4), mức tăng lớn nhất được ghi nhận kể từ tháng 11, theo SCMP.

Mức quan tâm đột biến tới các cổ phiếu chip trong nước cũng giúp nâng Chỉ số CSI 300 lên 0,9% trong ngày thứ 4 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 1/2023.

Trong ngày, cổ phiếu của nhà sản xuất bộ xử lý trung tâm Ingenic Semiconductors tăng 12,7% lên 100,3 NDT trên sàn Thâm Quyến, Advanced Micro-Fabrication Equipment tăng 11% lên 163,9 NDT tại sàn Thượng Hải. Tại Hong Kong, cổ phiếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC tăng 7,8% lên 20,05 HKD, trong khi công ty cùng ngành Hua Hong Semiconductors tăng 6% lên 36,8 KHD.

"Cuộc điều tra về Micron mở ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp chip nhớ trong nước”, nhà phân tích Ma Liang của Essence Securities cho biết trong một báo cáo nghiên cứu mới đây. Ông Ma cho biết cùng với lệnh cấm xuất khẩu của Nhật Bản, cuộc điều tra sẽ là chất xúc tác để Trung Quốc tăng tốc phát triển các giải pháp thay thế trong nước, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất chip và nhà sản xuất thiết bị chip.

Nhà phân tích Xu Tao của Citic Securities cho biết các khách hàng Trung Quốc của Micron có khả năng chuyển đơn đặt hàng sang các nhà cung cấp địa phương. Tuy nhiên, một số người vẫn tỏ ra thận trọng và cho rằng việc tăng thị phần trong lĩnh vực chip của Trung Quốc có thể không duy trì được trong thời gian dài.

Niu Chunbao, nhà quản lý quỹ tại Shanghai Wanji Asset Management Co, cho biết: “Không rõ liệu các sản phẩm của Micron có thực sự bị cấm hay không và yếu tố cốt lõi đằng sau các động thái của ngành vẫn là sự phục hồi của nhu cầu điện tử”.

Linh Anh

Theo Bloomberg, SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-dieu-tra-ga-khong-lo-chip-micron-mot-mui-ten-trung-hai-dich-20180504224282675.htm