Trung Quốc điều tra vụ trên 90 nhà khoa học hạt nhân đồng loạt nghỉ việc

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã thành lập một tổ điều tra tìm hiểu vì sao trên 90 nhà khoa học trẻ gần như xin nghỉ việc cùng lúc tại một viện nghiên cứu hạt nhân then chốt của quốc gia.

Trên 90 nhà khoa học tại Viện Công nghệ An toàn Năng lượng Hạt nhân (INEST) xin nghỉ việc gần như đồng loạt. Ảnh: SCMP

Trên 90 nhà khoa học tại Viện Công nghệ An toàn Năng lượng Hạt nhân (INEST) xin nghỉ việc gần như đồng loạt. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Phó Thủ tướng Lưu Hạc chỉ đạo một đội điều đặc biệt tới Viện Khoa học Vật Lý Hợp Phì để tìm hiểu sự ra đi đồng loạt của các nhà nghiên cứu.

Truyền thông Trung Quốc trước đó đưa tin trên 90 nhà nghiên cứu, phần lớn là các tiến sĩ, tại Viện Công nghệ An toàn Năng lượng Hạt nhân (INEST) ở Hợp Phì (thành phố phía đông Trung Quốc) gần đây đã xin nghỉ việc. INEST là một cơ sở của Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc do nhà nước quản lý.

Theo trang web chính thức, INEST được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ an toàn và năng lượng hạt nhân tiên tiến. Các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm vật lý neutron, năng lượng phân hạch tiên tiến, năng lượng nhiệt hạch và các ứng dụng công nghệ hạt nhân mở rộng.

Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thông báo về cuộc điều tra của Phó Thủ tướng Lưu Hạc trên website của tổ chức ngày 22/7.

Theo tạp chí China Business Journal, hồi tháng 6, nhân viên INEST và ban quản lý Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì nảy sinh bất đồng do tranh cãi bên nào có quyền quản lý các văn phòng của INEST. Trong khi đó, một nhân viên khác giấu tên tiết lộ cho trang tin The Paper rằng những nhà nghiên cứu xin nghỉ việc đã được mời gọi sang nơi khác làm việc.

Chỉ đạo điều tra do Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của sự vụ. Ngày 17/6 vừa qua, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng đã cử một đội điều tra tới Hợp Phì.

Các công trình nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc phần lớn do các trường đại học và viện nghiên cứu của nhà nước thực hiện.

Song trong một vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu trẻ sẵn sàng từ bỏ những quyền lợi xã hội và sự ổn định trong các cơ sở nhà nước để ra ngoài làm việc cho các công ty tư nhân với lương cao hơn, được tự do hơn.

Năm 2018, một nhà khoa học chuyên về tên lửa rời khỏi công ty hàng không vũ trụ do nhà nước quản lý chuyển sang làm việc cho công ty tư nhân đã dấy lên những chỉ trích, cho rằng các đơn vị nhà nước không có chính sách thích hợp giữ chân các nhân tài.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-dieu-tra-vu-tren-90-nha-khoa-hoc-hat-nhan-nghi-viec-20200723073354053.htm