Trung Quốc dịu giọng ở Davos
Năm 2017, vài tuần sau chiến thắng đầu tiên của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Khi đó, ông Tập chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
Lần này, sự hiện diện của Trung Quốc tại hội nghị của các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và tài chính thường niên ở khu resort thuộc dãy Alpine đã giảm bớt, sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc dự diễn đàn năm nay là Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đinh thể hiện giọng điệu hòa giải, khẳng định sẽ cân bằng lại thương mại, cách nói thể hiện sự thừa nhận mối bận tâm chính của ông Trump, bằng lời hứa sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh và chất lượng tốt.
Năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có mặt ở Davos để khẳng định với giới tinh hoa toàn cầu, rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Hội nghị năm nay diễn ra khi Bắc Kinh đang chờ đợi bức tranh toàn cảnh về các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với quan hệ song phương. Ông Trump hoãn kế hoạch tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày ông nhậm chức, nhưng sau đó cảnh báo mức thuế 10% có thể được áp dụng với Trung Quốc ngay từ ngày 1/2.
Khi logo của các công ty có tên tuổi được trưng khắp địa điểm diễn ra hội nghị, tên của mạng xã hội Trung Quốc TikTok bị che sau mái hiên trắng rộng lớn: TikTok. Số phận của gã khổng lồ truyền thông xã hội thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh đang treo lơ lửng ở Mỹ.
John Quelch, phó hiệu trưởng Đại học Duke Côn Sơn ở Tô Châu, Trung Quốc, người cũng có mặt tại WEF Davos năm nay, cho biết đoàn chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc hạn chế các hoạt động công khai của sự kiện.
Các tập đoàn lớn cũng đang suy tính lại cách tiếp cận của họ với nền kinh tế lớn ở châu Á, khi Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Không thể đoán trước
Trong bài phát biểu được đưa ra trước khi ông Trump dọa sẽ áp mức thuế 10%, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, dù ông không nêu đích danh Mỹ. Ông cũng nhắc lại câu thành ngữ Trung Quốc nghĩa là những gì một người nói và làm cho bạn biết anh ta là người như thế nào.
"Trung Quốc là một quốc gia lớn có trách nhiệm, là người bảo vệ và xây dựng vững chắc trật tự quốc tế", ông nói.
Câu nói đó đã được cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Dân nhắc lại. Ông nói với truyền hình Bloomberg rằng cần phải chờ xem ông Trump sẽ làm gì. "Bạn không bao giờ biết được. Đối với ông Trump, vấn đề chính là không thể đoán trước", ông nói.
Các đại biểu dự hội nghị ở Davos cũng không thể thống nhất về định hướng chung cho quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Nhà nghiên cứu Ian Bremmer của Eurasia Group hoàn toàn không đồng ý với đánh giá của Graham Allison, chuyên gia của Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard, rằng cặp quan hệ quan trọng nhất thế giới sẽ bất ngờ "vọt lên" vào thời điểm này năm sau.
Dù Trung Quốc hạ thấp hiện diện ở WEF Davos năm nay, nhưng sức mạnh mềm của chính phủ vẫn tiếp tục được thể hiện trong tuần này. Một buổi tiệc chiêu đãi do chính quyền thành phố Thiên Tân tổ chức đã thu hút hàng trăm đại biểu xếp hàng dài để thử các món ăn địa phương như mì với nước tương lên men và bánh trứng chiên. Phó Thủ tướng thứ nhất của Ukraine Yulia Svyrydenko và các trợ lý của bà là những người cuối cùng rời đi sau khi thưởng thức nhiều lần món bánh bao.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-diu-giong-o-davos-post1711793.tpo