Trung Quốc - đối tác đầu tiên có quy mô thương mại với Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD/năm

Trung Quốc là đối tác đầu tiên có quy mô thương mại với Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD/năm. Bộ Công Thương tích cực phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư của Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động kết nối, giúp doanh nghiệp hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chiều ngày 17/01/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với đồng chí Nhậm Hồng Bân - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) trong khuôn khổ chuyến thăm của Đoàn đại biểu tới Việt Nam từ ngày 17 - 19/01/2025.

Khung cảnh buổi làm việc

Khung cảnh buổi làm việc

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương cho biết, tham dự buổi làm việc về phía Bộ Công Thương có các đại diện của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu.

Về phía đoàn đại biểu Trung Quốc có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ, các cán bộ Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc, Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc, Tập đoàn Trung tâm Triển lãm quốc tế Trung Quốc; đại diện Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Lam Tư, đại diện Tập đoàn khoa học kỹ thuật TCL tại Việt Nam.

Kết nối doanh nghiệp hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ trưởng Phan Thị Thắng chào đón đoàn công tác trong bầu không khí hân hoan khi hai nước đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền và cũng là thời điểm ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/01/1950 - 18/01/2025). Thứ trưởng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã phát triển lên một tầm cao mới kể từ khi Lãnh đạo cao nhất hai nước thống nhất xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt - Trung”.

Năm 2024, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quy mô thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới, cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, trở thành đối tác đầu tiên có quy mô thương mại vượt mốc 200 tỷ USD (theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 205 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2023). Trong bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới thời gian qua, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng 15,4% của ngoại thương và gần 7,1% của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định, Bộ Công Thương coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với các cơ quan trung ương và địa phương Trung Quốc, trong đó có CCPIT, nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng ngày càng chất lượng, ổn định, cân bằng, bền vững và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của mỗi nước.

Cụ thể, phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số địa phương đầy tiềm năng của Trung Quốc như Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy, Quảng Tây… cũng như xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, điện tử, thực phẩm chế biến, dệt may, công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ thời gian tới; hỗ trợ, kết nối, tổ chức đoàn doanh nghiệp, đoàn mua hàng của Trung Quốc tham gia các Hội chợ, Triển lãm có quy mô lớn tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức trong năm 2025 như: Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam 2025 (Vietnam Expo 2025), Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2025 (Food Expo 2025), Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu 2025 (Viet Nam Ocopex Fair 2025).

Đồng thời tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức cũng như tích cực kết nối để doanh nghiệp hai nước có cơ hội tham gia vào Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (VIET NAM INTERNATIONAL SOURCING 2025) và Hội chợ Chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc (China International Supply Chain Expo 2025). Đây là hai hội chợ có tính chất quan trọng, giúp doanh nghiệp hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) Nhậm Hồng Bân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) Nhậm Hồng Bân

Kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là đột phá trong hợp tác Việt Nam - Trung Quốc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) Nhậm Hồng Bân bày tỏ chúc mừng những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2024. Chủ tịch CCPIT Nhậm Hồng Bân chia sẻ, sau thành công của Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7/2024), kinh tế Trung Quốc cũng đặt ra nhiệm vụ cải cách toàn diện, tập trung vào các hạng mục phát triển và mở rộng lực lượng sản xuất chất lượng mới bằng cách không ngừng khám phá đổi mới công nghệ mới.

Xác định kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là đột phá trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Chủ tịch CCPIT khẳng định sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của cơ quan đầu mối phụ trách công tác xúc tiến thương mại quốc gia lớn nhất của Trung Quốc. CCPIT luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam cùng triển khai hiệu quả các phương án hợp tác trong thời gian tới.

Nhân buổi làm việc, đồng chí Nhậm Hồng Bân đã trân trọng gửi lời mời lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam tham dự Lễ khai mạc Hội chợ Chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc 2025 (China International Supply Chain Expo) và tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ từ ngày 16-20/7/2025.

Buổi làm việc đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở. Hai bên đã trao đổi và đạt được nhất trí trong nhiều phương hướng hợp tác và biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần vào sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Theo số liệu cập nhật ngày 17/01/2024 của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2024 đạt 60,89 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% so với năm trước. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc trong năm 2024 gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 15,44 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,64 tỷ USD; hàng rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 993 triệu USD) so với năm trước...

Ở chiều ngược lại, tổng trị giá nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trong năm 2024 đạt 144,02 tỷ USD, tăng mạnh tới 30,2%, tương ứng tăng 33,39 tỷ USD so với năm trước, chiếm khoảng 38% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Năm 2024, cả 5 nhóm hàng lớn nhất nhập khẩu từ Trung Quốc đều tăng mạnh. Cụ thể, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 34,59 tỷ USD, tăng 47,7% (tương ứng tăng 11,17 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 28,96 tỷ USD, tăng 28,7% (tương ứng tăng 6,45 tỷ USD); nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày đạt 15,59 tỷ USD, tăng 22,3% (tương ứng tăng 2,84 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,05 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng tăng 1,75 tỷ USD); sắt thép các loại đạt 7,49 tỷ USD, tăng 32,5% (tương ứng tăng 1,84 tỷ USD) so với năm trước. Tính chung trị giá nhập khẩu của 5 nhóm hàng này đạt 95,67 tỷ USD, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/trung-quoc-doi-tac-dau-tien-co-quy-mo-thuong-mai-voi-viet-nam-vuot-moc-200-ty-usd-nam-132554.htm