Kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2025
Nghị định 01/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2025 về kinh doanh, xuất khẩu gạo đề ra các giải pháp quản lý, điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy xuất khẩu gạo tiếp tục bứt phá trong năm 2025.
Nhiều điểm mới tạo thuận lợi xuất khẩu gạo
Về cơ bản, Nghị định 01/2025/NĐ-CP (Nghị định 01) có nhiều nội dung giữ nguyên như Nghị định 107/2018/NĐ-CP, song cũng bổ sung nhiều điều khoản nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Cụ thể, Nghị định 01 nêu rõ: ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo. Việc dành nguồn vốn ưu tiên cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong bối cảnh hoạt động này gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Nghị định số 01 sửa đổi định kỳ trước ngày 5 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành. Đây là điều khoản sẽ giúp thương nhân giảm bớt thời gian, công sức thực hiện báo cáo.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi, cơ quan chức năng cũng cũng tiếp tục đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào khuôn khổ. Theo đó, Nghị định 01 bổ sung thêm quy định là trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định này thì thương nhân sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Như vậy, thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác xuất khẩu và công tác báo cáo với cơ quan chức năng, tránh trường hợp doanh nghiệp lấy lý do để trốn tránh việc báo cáo với cơ quan chức năng.
Nghị định mới cũng nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành trong việc điều hành xuất khẩu gạo như: yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Đẩy nhanh thực hiện Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định: năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng tăng 16,7% so với năm 2023. Đây là bước bứt phá vô cùng ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.
Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, uy tín của hạt gạo Việt Nam ngày càng nâng cao. Cùng với đó, thương hiệu gạo Việt ngày càng được khẳng định trên thị trường thế giới. Gạo Việt Nam không chỉ xuất khẩu đến các thị trường truyền thống mà còn đến nhiều thị trường mới, giá trị cao.
Với đà xuất khẩu gạo của năm 2024, giới chuyên gia kỳ vọng rằng năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo sẽ vẫn giữ vững lợi thế. Đồng thời, với các giải pháp hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm như Nghị định 01 đề ra, các doanh nghiệp sẽ tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để hạt gạo ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao và bền vững.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền về Đề án để huy động tốt sự tham gia của các bên có liên quan. Đặc biệt, tích cực mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi cùng nông dân và các hợp tác xã để xây dựng và nhân rộng mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Song song đó, kịp thời đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho việc thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và các giải pháp khoa học, công nghệ mới để thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo đề án.
Gạo là một trong những mặt hàng rất quan trọng và đặc biệt của nền kinh tế vì không chỉ mang lại thành tích cho hoạt động xuất khẩu, mang về ngoại tệ cho đất nước mà còn liên quan đến đời sống và thu nhập của người nông dân. Năm 2025, Nghị định ban hành đầu tiên của Chính phủ là Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu gạo.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-xuat-khau-gao-nam-2025.html