Trung Quốc đóng cửa đập, làm giảm mực nước sông Mekong
Trung Quốc chặn dòng chảy sông Mekong tại một trong những con đập lớn ở thượng nguồn, dẫn đến sự sụt giảm đột ngột về lượng nước tại các quốc gia ở hạ lưu dòng sông.
"Mực nước giảm đột ngột kể từ đầu tháng 1", Niwat Roikaew, Chủ tịch nhóm hoạt động phi lợi nhuận vì môi trường Love Chiang Khong Group ở Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan, cho biết. "Tất cả chúng ta đều biết điều này xảy ra vì Trung Quốc đã đóng cửa đập".
Đến giữa tháng 2, các cộng đồng ven sông bị ảnh hưởng bởi quyết định giảm lưu lượng xả từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vẫn chưa thể gác lại lo lắng, theo Nikkei Asia.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã thông báo cho các nước hạ lưu sông Mekong về các cuộc thử nghiệm tại con đập lớn vào đầu tháng 1, gần một tuần sau khi bắt đầu cắt giảm lưu lượng từ mức 1.900 m3/giây thông thường xuống còn 1.000 m3/giây. Việc thử nghiệm theo dự kiến đã hoàn tất vào ngày 24/1.
Trong một báo cáo tháng này, Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho biết lưu lượng dao động của sông đã giảm xuống mức "đáng lo ngại". Cơ quan liên chính phủ - đại diện cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - quản lý hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.
"Đã có sự tăng và giảm đột ngột mực nước ở hạ du đập Cảnh Hồng và xa hơn tới tận Vientiane [thủ đô của Lào]. Đây là thách thức đối với giới chức và cộng đồng trong việc chuẩn bị và ứng phó với những tác động có thể xảy ra", một quan chức MRC cho biết trong báo cáo.
Cảnh báo của MRC làm nổi bật một bất cập về ngoại giao tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc và các nước hạ lưu sông Mekong: thiếu hợp tác để quản lý tuyến đường thủy huyết mạch này.
"Vẫn cần hợp tác sâu rộng hơn về quản lý nước xuyên biên giới", Carl Middleton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết. "Mục tiêu thích hợp là vận hành có trách nhiệm các dự án thủy điện nhằm tránh tác động xã hội và môi trường đến mức có thể, đồng thời thừa nhận và đền bù cho những thiệt hại đã gây ra".
Trung Quốc, nước gọi sông Mekong là Lan Thương, đã nằm trong tầm ngắm của các nhà môi trường địa phương và quốc tế vì quyền lực của họ trong việc kiểm soát thượng nguồn dòng sông. Những ý kiến chỉ trích nói rằng Bắc Kinh sử dụng con sông như một vòi có thể bật hoặc tắt tùy ý để đáp ứng các nhu cầu về nước sinh hoạt.
"Là một quốc gia thượng nguồn, Trung Quốc coi dòng sông như một con kênh, hay H2O (nước) và có quyền lực trong việc quyết định việc khai thác dòng sông", Pianporn Deetes, Giám đốc chiến dịch Thái Lan của International Rivers, một nhóm bảo vệ môi trường toàn cầu, cho biết. "Nhưng đây không phải chuyện một mình Trung Quốc, bởi vì cần có sự quản lý đối với dòng sông, công nhận giá trị sinh thái và nhiều lợi ích của nó đối với hàng triệu cộng đồng địa phương".