Trung Quốc đuổi sát Mỹ về số lượng doanh nghiệp trong Top 500 thế giới nhưng chất lượng còn kém

Cuộc cạnh tranh kinh tế Trung-Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt.

Vừa qua, tạp chí Fortune công bố bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới xếp theo doanh thu, trong đó Trung Quốc sở hữu 119 doanh nghiệp, chỉ kém Mỹ 2 doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp tỷ phú Trung Quốc, có 12 doanh nghiệp mới gia nhập hoặc gia nhập trở lại, bao gồm cả Tập đoàn sản xuất điện thoại cầm tay trẻ nhất, mới thành lập được 9 năm Xiaomi. Nếu kể cả 10 doanh nghiệp Đài Loan có mặt trong danh sách lần này, thì số nhà giàu tỷ phú Trung Hoa đã vượt Mỹ.

Cán cân quyền lực kinh tế thế giới đang dịch chuyển sâu sắc

Fortune cho rằng, việc cán cân quyền lực đang dịch chuyển sâu sắc, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn lan sang an ninh quốc gia, là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến "tẩy chay" sản phẩm của Hoa Vi, công ty đứng thứ 61 trong bảng xếp hạng.

Theo Fortune, tuy số lượng doanh nghiệp Trung Quốc trong Top 500 đã ngang bằng Mỹ song chất lượng thì "chưa thể sánh được". Điều này thể hiện ở khả năng lợi nhuận và hoàn cảnh thị trường.

Fortune đề cập đến khả năng lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp Trung Quốc trong bảng chỉ là 3,5 tỉ USD, thấp hơn bình quân 4,5 tỉ USD của Top 500, và thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp Mỹ. Cụ thể, tỉ lệ lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp Trung Quốc là 5,3%, thấp hơn tỉ lệ bình quân Top 500 là 6,6% và của Mỹ là 7,6%.

Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Trung Quốc có 119 doanh nghiệp.

Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Trung Quốc có 119 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc tập trung ở các ngành năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, hàng không, quốc phòng, bất động sản và xây dựng chế tạo. 3 doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong Top 10 thuộc lĩnh vực dầu khí và điện lực đều là doanh nghiệp nhà nước; lĩnh vực của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bảng đa phần là các ngành nghề đặc biệt được chính phủ quản lý chặt chẽ và có thể lớn mạnh đều liên quan đến sự can thiệp của chính phủ trong hạn chế cạnh tranh, không mở cửa thị trường cho FDI. Ví dụ, tổng lợi nhuận 200 tỉ USD của các ngân hàng Trung Quốc trong bảng chiếm một nửa tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp Hong Kong. Bình quân lợi nhuận của các doanh nghiệp phi ngân hàng Trung Quốc chỉ đạt 1,92 tỉ USD, thấp hơn lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp Trung Quốc (3,5 tỉ USD).

Nếu Trung Quốc mở cửa hơn nữa cho FDI thì số lượng và khả năng lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm. Đây là nguyên nhân khiến Trung Quốc chậm mở cửa thị trường trong các lĩnh vực đặc biệt để hạn chế chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cái giá phải trả sẽ là sức cạnh tranh tương đối yếu, bình quân lợi nhuận tương đối thấp. Vì vậy, nếu xét trong top 50 thì doanh nghiệp Mỹ vẫn tương đối nhiều, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn trong 50 doanh nghiệp cuối bảng. Mặt khác, ngoài 2 doanh nghiệp dược, Trung Quốc chưa thể chen chân vào các lĩnh vực có liên quan đến y tế, sức khỏe, đời sống.

10 thay đổi mang tính xu thế trong kinh tế Trung Quốc

Báo giới Trung Quốc cũng có bài nêu lên 10 xu thế thay đổi lớn của nền kinh tế Trung Quốc hướng tới phát triển chất lượng cao.

Báo chí Trung Quốc đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển đổi từ tăng trưởng tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao, vì vậy, quá trình vận hành kinh tế ngắn hạn sẽ có thể xuất hiện sự dao động và bất ổn định, song toàn bộ quá trình phát triển sẽ xuất hiện 10 thay đổi mang tính xu thế, quyết định đến tiềm lực và viễn cảnh tương lai sự phát triển lâu dài của kinh tế Trung Quốc. Đó là: (1) Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) Cao cấp hóa kết cấu tiêu dùng; (3) Nâng cấp tiêu dùng sản xuất; (4) Kinh tế số trở thành ngành nghề mới và mở ra lĩnh vực mới cho thị trường mạng; (5) Chế tạo phân khúc cao và chế tạo trí tuệ thay đổi kết cấu kinh tế công nghiệp; (6) Cung cấp một số sản phẩm công trở thành ngành dịch vụ mới nổi; (7) Kinh tế tập trung ở Vùng vịnh và quần thể thành phố hình thành hiệu ứng quy mô phân bổ tài nguyên; (8) Quan hệ khu vực, thành thị, nông thôn kiểu mới tạo ra sự phân công mới, mở rộng sự trao đổi mới; (9) Chấn hưng nông thôn, mở ra cơ hội mới; (10) Thắt chặt mối liên hệ giữa Trung Quốc và kinh tế thế giới.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước ảnh hưởng từ bên ngoài khá lớn, do căng thẳng mậu dịch và đầu tư quốc tế suy yếu. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giảm xuống mức 5,9%. Cọ sát thương mại Trung - Mỹ gia tăng gây khó khăn thương mại của một số nước đang phát triển. Quý I, xuất khẩu của Indonesia giảm 4,3%, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 7,1%... Tất nhiên, chiến tranh thương mại tạo ra hiệu ứng mậu dịch làm cho một số nước như Việt Nam được lợi rõ nhất.

Theo số liệu của Mỹ, Quý I, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng 40,2%. Theo số liệu của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp của Việt Nam cho tới ngày 20/6 đạt 18,4 tỉ USD, tương đương 90,8% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về tổng thể cho các nước là không có lợi, gây áp lực giảm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển.

Bảng xếp hạng của Fortune về Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới chưa tính đến những biện pháp trả đũa kinh tế thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đang áp dụng trong thời gian gần đây. Sẽ có một số doanh nghiệp Trung Quốc rớt hạng do chính sách cấm vận của Mỹ liên quan đến các ngành công nghệ cao. Đồng thời quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của một số công ty./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-duoi-sat-my-ve-so-luong-doanh-nghiep-trong-top-500-the-gioi-nhung-chat-luong-con-kem-20190807145209812.htm