Trung Quốc gặp khó khăn lớn nếu muốn giải cứu kinh tế Nga trong chiến sự Ukraine
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine hiện nay, Trung Quốc sở hữu nhiều công cụ tài chính để giải cứu nền kinh tế Nga đang bị trừng phạt chưa từng thấy. Tuy nhiên, các công cụ đó có thể rất khó triển khai.
Thế bất lợi của nhân dân tệ trước đồng USD
Khi Mỹ và đồng minh tuyên bố phát động chiến tranh tài chính chống Nga sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, thế giới đổ dồn chú ý lên những gì Trung Quốc sẽ làm để giúp Nga về mặt kinh tế.
Với tư cách là cường quốc toàn cầu mới nổi, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua việc thiết lập quan hệ tài chính gần gũi với các nước không sẵn lòng tuân theo các quy tắc do Mỹ và các nước phương Tây đặt ra. Do vậy, người ta dự đoán Trung Quốc sẽ làm điều tương tự với Nga.
Tuy nhiên có một khó khăn lớn, liên quan đến tiền tệ, cụ thể là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Để giúp Nga lẩn tránh các lệnh trừng phạt, Trung Quốc sẽ phải đưa ra một phương án thay thế khả dĩ cho đồng đô la Mỹ (USD).
Ấy thế nhưng đồng tiền Trung Quốc – nhân dân tệ, lại hầu như không được sử dụng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ có 3% thương mại thế giới được thực hiện sử dụng đồng tiền này. Ngay cả Nga và Trung Quốc cũng thực hiện hoạt động thương mại với nhau chủ yếu bằng đồng USD và đồng euro.
Ngoài ra, khi cố giúp Nga như vậy, nền kinh tế Trung Quốc có thể hứng chịu nhiều rủi ro lớn. Vì phần lớn nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào đồng USD và thể chế tài chính gắn liền với nó. Các công ty Trung Quốc hoạt động trên toàn cầu, sử dụng hệ thống tài chính Mỹ để trả lương cho nhân viên, mua vật liệu và tiến hành đầu tư. Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và được đối tác thanh toán chủ yếu bằng USD.
Nếu Bắc Kinh chống lại các nỗ lực trừng phạt nhằm vào Nga, sự ổn định tài chính của Trung Quốc sẽ gặp rủi ro vào thời điểm các nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến sự thận trọng. Ngoài ra, các phương án thoát hiểm mà Trung Quốc có thể tung cho Nga có thể không đủ mạnh để giúp Nga vượt qua đòn cô lập tổng lực về tài chính do Mỹ và đồng minh tiến hành.
Trung Quốc có thể hỗ trợ các giao dịch xuyên biên giới, cho phép Trung Quốc tiếp tục bán cho Moscow nhiều hàng hóa mà họ sản xuất cho phần còn lại của thế giới. Trung Quốc cũng có thể đầu tư vào các hãng năng lượng Nga với chi phí thấp. Trung Quốc có thể cho phép ngân hàng trung ương Nga hoán đổi một khoản tiền nhất định trong tổng số 140 tỷ USD trái phiếu của Trung Quốc. Thậm chí Bắc Kinh có thể lập ra một ngân hàng bình phong để hỗ trợ dịch chuyển dòng tiền Nga.
Trung Quốc có thể chỉ giúp được Nga phần nào
Không có giải pháp nào trong các giải pháp trên sẽ đủ mạnh để đối trọng với các lệnh trừng phạt áp lên Nga - cho tới nay đã bao gồm việc cắt đứt các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, và lệnh cấm nhập dầu khí của Nga vào Mỹ.
Eswar Prasad – một nhà kinh tế tại Đại học Cornell, nhận định: “Trung Quốc sẽ không cứu được một con thuyền đắm mang tên nền kinh tế Nga, nhưng có thể sẽ giúp con thuyền đó nổi thêm một lát nữa rồi chìm từ từ”.
Trung Quốc đã liên tục chỉ trích các hành động trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Nga tấn công Ukraine. Nhưng chỉ trích là một chuyện, còn hành động thực tế để chống lại trật tự tài chính toàn cầu và đứng trước nguy cơ hứng chịu các đòn trừng phạt khác nhằm vào chính mình lại một chuyện khác.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn dắt và bị Mỹ coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới, vào tuần trước tuyên bố rằng họ sẽ ngừng cho vay đối với Nga và Belarus do cuộc chiến ở Ukraine. Một số ngân hàng Trung Quốc đã giảm cung cấp tài chính cho các mặt hàng Nga.
Raymond Yeung – thuộc ngân hàng ANZ, đánh giá: “Các ngân hàng Trung Quốc đang cố giảm mức độ tiếp xúc với Nga. Do vậy thuyết cho rằng Trung Quốc tạo ra một phương án tài chính thay thế cho Nga vẫn đáng hoài nghi”.
Vũ khí tài chính của Trung Quốc bị bó hẹp dần
Quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu Trung Quốc vào tuần trước cho biết, các ngân hàng không nhất thiết phải cắt đứt các mối liên hệ với các đối tác Nga.
Guo Shuqing – Chủ tịch của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nói: “Chúng tôi sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt đó, chúng tôi tiếp tục duy trì các trao đổi kinh tế, thương mại và tài chính bình thường với các bên liên quan”.
Tuy nhiên, khi các lệnh trừng phạt dày lên, việc duy trì các mối quan hệ kinh tế đó sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không chấp nhận thêm rủi ro. Các công cụ mà Trung Quốc có thể dùng để giúp Nga đang thu hẹp. Các nước phương Tây đã đẩy Nga ra khỏi hệ thống thanh toán và nhắn tin tài chính Thụy Sĩ, từ đó trên thực tế đã loại các ngân hàng Nga khỏi các giao dịch quốc tế.
Trung Quốc đã và đang phát triển hệ thống nhắn tin thay thế cho các thể chế tài chính nhằm tiến hành các giao dịch xuyên biên giới. Nhưng dịch vụ đó của Trung Quốc hoạt động chỉ trên quy mô nhỏ và phụ thuộc một phần vào các công nghệ dùng trong giao dịch.
Sau khi Visa và Mastercard ngừng hoạt động ở Nga, vài ngân hàng Nga quay sang sử dụng UnionPay của Trung Quốc. UnionPay cung cấp các lựa chọn thanh toán ở khoảng 180 nước. Nếu Trung Quốc muốn tránh bị trừng phạt khi sử dụng hệ thống này để giúp Nga thì các giao dịch phải không sử dụng đồng USD.
Trung Quốc có thể áp dụng phương án lập các ngân hàng nhỏ với mục đích né tránh các lệnh trừng phạt khi giúp Nga. Tuy nhiên, các ngân hàng như thế có thể không thoát nổi khỏi tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ và có nguy cơ bị trừng phạt, đóng cửa (tương tự như vụ Ngân hàng Kunlun được Trung Quốc lập nên để giao dịch với Iran, sau đó ngân hàng này đã bị Mỹ trừng phạt).
Dù Bắc Kinh cố gắng duy trì tình hữu nghị “không giới hạn” với Nga, có một thực tế khắc nghiệt: Đồng nhân dân tệ khó lòng cứu được đồng rúp đang rớt giá không phanh. Cách duy nhất mà Nga có thể đẩy giá đồng rúp lên là thông qua việc mua đồng đô la Mỹ./.