Trung Quốc gặp khó với chiến lược 'Zero COVID-19'

Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc theo đuổi chiến lược 'Zero COVID-19' đang gặp nhiều sức ép trong bối cảnh mùa đông năm nay đến sớm, tạo điều kiện cho sự lây lan của biến thể Delta.

Mùa đông năm nay đến sớm ở nhiều tỉnh, thành phố Trung Quốc, khiến biến thể Delta dễ lây lan hơn. Trong ảnh, một phụ nữ vác xẻng đi giữa trời tuyết ở thủ đô Bắc Kinh ngày 7/11Ảnh: AP

Chưa sẵn sàng mở cửa

Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất đã lan ra 31 tỉnh, thành phố khắp Trung Quốc. Đây là đợt dịch lây lan rộng nhất kể từ sau đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên hồi tháng 12/2019 ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc).

Ngày 8/11, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc (NHC) cho biết, hôm 7/11 nước này ghi nhận 65 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tính từ giữa tháng 10 đến nay, Trung Quốc phát hiện gần 1.000 ca mắc COVID-19. Chính quyền Trung Quốc khẳng định tại một cuộc họp báo hôm 7/11 rằng, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, ngay cả khi nhiều quốc gia khác đã từ bỏ chiến lược “Zero COVID-19”.

Wu Liangyou, một quan chức cấp cao của NHC cho biết, Trung Quốc đang đối diện với “những thách thức phức tạp và nghiêm trọng trong mùa đông năm nay và mùa xuân tới”, bởi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp ở các nước trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Tính đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã tiêm hơn 3,53 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3 - 11 tuổi. Cơ quan y tế Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho nhóm này vào cuối tháng 12.

Có nhiều tín hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp quyết liệt trong việc khoanh vùng dịch bệnh. Cuối tuần trước, hàng chục nghìn du khách đã được yêu cầu ở lại công viên Disneyland Thượng Hải để làm xét nghiệm diện rộng sau khi một ca bệnh liên quan đến công viên này được phát hiện, theo Bloomberg.

“Tôi ước tính rằng Trung Quốc sẽ không mở cửa trở lại trong một năm nữa”, Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh), nói. Theo ông, thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc là không thể phủ nhận và dư luận nước này ủng hộ các biện pháp của chính quyền. Tỷ lệ tiêm chủng tại Trung Quốc ở mức cao.

Ông Chen cho rằng, Trung Quốc có thể duy trì trạng thái đóng cửa 3-4 năm mà vẫn vận hành bình thường vì đây là một quốc gia lớn. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Tài chính, chiến lược “Zero COVID-19” đang là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng dịch đối với chi tiêu của người dân, cùng với đó là đà suy yếu trên thị trường bất động sản, tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Hồi tháng 8, một bến đậu của cảng Ninh Ba - Chu San (Trung Quốc) đã phải đóng cửa hai tuần sau khi một nhân viên trở thành F0. Việc gián đoạn hoạt động của một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới đã tạo thêm áp lực lên các tuyến vận tải quốc tế, vốn đã bị quá tải vì đại dịch.

Tăng tốc tiêm chủng

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng không ngừng, các chuyên gia y tế Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền đẩy nhanh việc triển khai tiêm nhắc lại và tiêm phòng cho trẻ em để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Wang Qinghua, chuyên gia dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiêm chủng cho trẻ em.

“Chúng tôi từng nghĩ rằng COVID-19 có tỷ lệ lây lan thấp ở trẻ em. Nhưng khi đại dịch ngày càng lan rộng, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng số ca bệnh là trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 ở một số quốc gia đã vượt qua bệnh cúm. Và tỷ lệ trẻ em nhập viện hiện đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm”, Wang nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 6/11.

Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã lan rộng trong các trường học, ảnh hưởng đến học sinh (bao gồm cả lứa tuổi mẫu giáo) ở ít nhất 4 địa phương. Bắc Kinh, Cam Túc, Hà Bắc và Hắc Long Giang đã phát hiện các ổ dịch liên quan đến trường học và nhà trẻ, theo Xinhua.

Miễn dịch cho trẻ em là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phòng, chống COVID-19 của Trung Quốc. Tao Lina, chuyên gia về vắc xin ở Thượng Hải, ngày 7/11 nói rằng, trẻ em có thể trở thành nguồn lây nhiễm trong gia đình. Và việc tiêm vắc xin cho trẻ có thể hạn chế nguy cơ trẻ em truyền virus cho những người khác, đặc biệt là người cao tuổi, suy giảm miễn dịch.

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, ông Zhong Nanshan, nói rằng hiệu quả của vắc xin kéo dài khoảng 6 tháng và người dân cần được tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch.

Từ giữa tháng 10, các thành phố Tây An, Quảng Châu, Hợp Phì và Bắc Kinh phát động chiến dịch tiêm nhắc lại với các nhóm đối tượng chính gồm cảnh sát, lính cứu hỏa, những người làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông vận tải và hậu cần.

MINH HẠNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-gap-kho-voi-chien-luoc-zero-covid-19-post1391505.tpo