Trung Quốc giải cứu thị trường bất động sản: Bơm 29 tỉ USD để hoàn thành các dự án dang dở
Trung Quốc sẽ cấp khoản vay đặc biệt trị giá 200 tỉ NDT (29 tỉ USD) để giúp các hãng phát triển địa ốc hoàn thành các dự án bất động sản dang dở.
Theo kênh truyền hình CCTV, Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn, Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản thông qua các khoản vay đặc biệt từ các ngân hàng chính sách.
Một số nguồn tin độc lập của Caixin xác nhận các khoản vay đặc biệt này ban đầu sẽ được cung cấp bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc có thể sẽ vào cuộc sau.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã khiến nguồn cung các dự án mới sụt giảm và khoảng 5% tổng số căn hộ chung cư đang xây dở phải tạm ngưng.
Tình trạng này khiến nhiều người mua nhà đe dọa ngừng thanh toán các khoản vay, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ lan sang hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, vốn đang vật lộn với các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản. Nó cũng gây rủi ro đối với thị trường địa ốc bởi người mua nhà đang bị đẩy vào thế khó.
Theo các nguồn tin, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hỗ trợ lãi suất 1% đối với các khoản vay cho các ngân hàng chính sách với thời hạn không quá 2 năm. Bên đi vay sẽ là chính quyền các địa phương, và các khoản vay đặc biệt sẽ được ghi nhận như khoản nợ của chính quyền địa phương.
Về nguyên tắc, thời hạn đối với các khoản vay của chính quyền địa phương sẽ không quá 3 năm. Trong 2 năm đầu, lãi suất sẽ là 2,8%, nhưng đến năm thứu ba sẽ lên tới 3,2%. Nếu khoản vay không được thanh toán sau 3 năm, lãi suất sẽ tăng lên gấp đôi so với mức của năm thứ ba.
Các nhà quản lý Trung Quốc nhấn mạnh rằng, khoản cứu trợ 200 tỉ NDT này không nhằm mục đích kích thích thị trường bất động sản hay cứu các nhà phát triển bất động sản. Quỹ này sẽ chỉ nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà và sớm bàn giao những ngôi nhà đã bán nhưng bị chậm tiến độ do khó khăn của các nhà phát triển.
Chính quyền địa phương sẽ xem lại các dự án, đánh giá lại tài sản và nợ phải trả của các chủ đầu tư trước khi duyệt vốn cho vay. Hạn chót để nộp đơn vay sẽ vào cuối tháng 3/2023.
Tính đến tháng 7 vừa qua, người mua nhà đã ngừng thanh toán tại hơn 100 dự án được bán trước tại hơn 50 thành phố khắp Trung Quốc để phản đối việc chậm bàn giao các dự án. Một số người mua cáo buộc các hãng phát triển địa ốc lấy tiền thu nơi này để đắp đổi cho dự án khác và tiếp tục vòng xoay mượn vốn. Cuộc khủng hoảng thanh toán khoản vay còn có nguy cơ lan thành cuộc khủng hoảng ngân hàng khi các nhà thầu phụ của “quả bom nợ” Evergrande dọa sẽ ngừng thanh toán cho các ngân hàng.
Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 28/7, Bộ Chính trị Trung Quốc đã kêu gọi hành động nhằm “bình ổn thị trường bất động sản” và sử dụng “các chính sách cụ thể của từng thành phố.” Họ cũng nói rằng chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm “bàn giao đúng hạn” những căn hộ đã được người dân trả tiền mua nhưng chưa xây dựng xong.
Kể từ tháng 7 đến nay, hơn 10 thành phố đã áp dụng đủ loại biện pháp để đảm bảo bàn giao nhà ở các dự án cho người dân. Chính quyền nhiều địa phương cũng có kế hoạch lập ra quỹ cứu hộ, thậm chí đưa các công ty được chính phủ hậu thuẫn tham gia vào các dự án bị đình trệ.
Trịnh Châu - thủ phủ của tỉnh Hà Nam, nơi diễn ra nhiều cuộc tẩy chay thanh toán của người mua nhà - đã phải lập ra quỹ cứu trợ 10 tỉ NDT tận dụng các nguồn vốn góp từ doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng để giải phóng các dự án đang xây dang dở./.
Theo Nikkei Asia