Trung Quốc giải quyết vấn đề khan hiếm nhân sự ngành công nghệ chip

Theo Sách Trắng do Trung tâm Phát triển Công nghệ thông tin Trung Quốc và Hiệp hội Ngành chip Trung Quốc phối hợp xuất bản, ước tính năm nay nước này thiếu hụt 200.000 lao động ngành chip.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Silicon)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Silicon)

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ chip trong nước nhằm nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt chuyên gia ngành này.

Theo Sách Trắng do Trung tâm Phát triển Công nghệ thông tin Trung Quốc và Hiệp hội Ngành chip Trung Quốc (CSIA) phối hợp xuất bản, ước tính trong năm nay, Trung Quốc thiếu hụt 200.000 lao động ngành chip.

Giới chuyên gia cho rằng việc thu hẹp khoảng cách này đang trở nên khó khăn hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của Mỹ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Claza Zhao, từng học về khoa học vật liệu tại trường đại học trước khi tìm được việc làm trong ngành chip, cho rằng triển vọng của ngành công nghiệp chip rất hứa hẹn, trong khi việc tuyển dụng các kỹ sư phần mềm từ các trường thông thường không còn thuận lợi như trước đây.

Kết quả một cuộc khảo sát năm 2022 do công ty nghiên cứu ICWise của Trung Quốc tiến hành cho thấy hơn 60% số sinh viên học kỹ thuật chip ở Trung Quốc tốt nghiệp nhưng không có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.

Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội hồi đầu tháng 3, Liu Zhongfan, một chuyên gia của Viện Khoa học Trung Quốc, cho rằng nước này cần ưu tiên đào tạo nhân tài hơn là tìm kiếm các giải pháp ngắn hạn cho các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Hoạt động tuyển sinh các khóa học đại học và sau đại học về công nghệ chip tại Trung Quốc đã gia tăng trong 5 năm qua nhờ các quỹ tài trợ mới dành cho các trường đại học hàng đầu cũng như sự bùng nổ các khóa đào tạo ngắn hạn tập trung ở các trường tư có quy mô nhỏ hơn.

Một số sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp về các chuyên môn khác đang được thu hút vào ngành công nghiệp đang tăng trưởng này khi mà lương của những người mới vào nghề đã cao gấp đôi.

Hu Yunwang, người sáng lập công ty tuyển dụng về chip có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết do mất cân bằng cung-cầu, nên mức lương trung bình hằng năm đối với kỹ sư mới vào nghề trong ngành này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2018, từ mức gần 200.000 nhân dân tệ (28.722 USD) lên 400.000 nhân dân tệ/năm.

Năm 2021, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) đã công bố cùng thành lập Trường Mạch tích hợp tại Đại học Công nghệ Thâm Quyến.

Theo dữ liệu về các trường đại học, số lượng sinh viên đăng ký học thạc sỹ về kỹ thuật chip tại 10 trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2018-2022, lên 2.893 người.

Một số trường tư ra đời để cung cấp giải pháp ngắn hạn, với các chương trình đào tạo kỹ thuật chip nhằm đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp chuyên về một môn liên quan tới kỹ thuật chip một cách nhanh chóng và có chủ đích.

EeeKnow, do một cựu kỹ sư của Arm Ltd ở Thượng Hải thành lập năm 2015, cung cấp các lớp học trực tiếp như “thiết kế và xác minh đầu cuối Cortex-M3 MCU trong 60 ngày,” với chi phí từ 2.000-4.000 nhân dân tệ./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-giai-quyet-van-de-khan-hiem-nhan-su-nganh-cong-nghe-chip/854087.vnp