Trung Quốc giành nguồn cung LNG của EU

Mới đây, Trung Quốc tăng cường mua LNG của Mỹ trong bối cảnh nước này lâm vào tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng. Trung Quốc đang hoàn tất các hợp đồng mua nhiên liệu LNG quy mô lớn từ Mỹ trong những năm tiếp theo và điều này liệu có đẩy EU phụ thuộc hơn vào nguồn cung khí đốt đường ống từ Nga.

Trung Quốc mua tất cả mọi thứ

Tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc Sinopec mới đây đã ký thỏa thuận nhập khẩu LNG từ nhà sản xuất Venture Global (Mỹ) với sản lượng 4 triệu tấn/năm và thời hạn hợp đồng lên tới 20 năm. Đây là thương vụ mua LNG lớn thứ hai của các công ty Trung Quốc trong tháng 10 này. Trước đó vào ngày 11/10, công ty khí đốt ENN Natural Gas (Trung Quốc) cũng đã thông báo hoàn tất thương vụ nhập khẩu LNG từ nhà sản xuất Cheniere Energy (Mỹ) với hợp đồng kéo dài 13 năm. Cũng theo Reuters, vẫn còn một tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc là CNOOC đang tiến hành đàm phán hợp đồng dài hạn mua LNG từ Mỹ và có thể sẽ công bố một hợp đồng quy mô lớn vào cuối năm nay.

Cần lưu ý rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do cựu Tổng thống Mỹ D.Trump gây ra đã dẫn đến hậu quả là Trung Quốc ngừng nhập khẩu LNG từ Mỹ. Đặc biệt, việc ký kết thỏa thuận mua LNG dài hạn giữa Sinopec và Cheniere Energy đã bị cản trở. Chỉ sau khi ông J.Biden nhậm chức, chính quyền Trung Quốc mới quay trở lại chính sách đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng của mình. Vào tháng 11/2020, tập đoàn năng lượng Foran của nước này đã ký thỏa thuận với Cheniere Energy về việc mua 26 lô hàng LNG trong vòng 5 năm.

Khi hoạt động kinh tế phục hồi và kéo theo đó là nhu cầu năng lượng tăng lên, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu đều đặn, kể cả từ Mỹ. Theo ước tính của trang tin Global Times (Trung Quốc), trong 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng nhập khẩu LNG Mỹ vào thị trường Trung Quốc đã tăng tới 3,75 lần so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 5,4 triệu tấn.

Cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra đã buộc các công ty Trung Quốc phải tích cực hơn trong việc ký kết các hợp đồng mua nhiên liệu từ nước ngoài. Ngoài các thỏa thuận đã được đề cập ở trên, các công ty Trung Quốc cũng đã ký hai hợp đồng nhập khẩu LNG từ các cảng LNG Plaquemines và Calcasieu Pass, đang được xây dựng ở tiểu bang Louisiana (Mỹ), sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2022. Một số chuyên gia Nga nhận định, mối quan tâm của các công ty dầu khí hàng đầu Trung Quốc là mua đủ khối lượng LNG đảm bảo với mức giá dễ dự báo hơn so với giá giao ngay có biến động lớn thời gian gần đây.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, việc tìm kiếm thành công khối lượng LNG đáng kể cho những tháng tiếp theo với mức giá thấp hơn giá thị trường giao ngay là khó thực hiện. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc ký kết các hợp đồng dài hạn mới trong thời kỳ báo giá tăng vọt có nghĩa là chính quyền nước này không kỳ vọng rằng, giá khí sẽ giảm trong tương lai gần. Điều này xuất phát từ ít nhất ba lý do. Thứ nhất là khả năng mất giá của đồng USD. Các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ đã lan rộng khắp thế giới với hàng nghìn tỷ USD không đảm bảo. Giới đầu tư sẽ tăng cường mua hàng hóa, bao gồm cả năng lượng. Thứ hai là kế hoạch của chính quyền Trung Quốc trong việc loại bỏ dần sản xuất nhiệt điện than không thân thiện với môi trường. Theo đó, nhu cầu về khí đốt của các nhà sản xuất điện khí Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Và cuối cùng, kế hoạch “xanh” của châu Âu tập trung vào sản xuất NLTT. Các nguồn NLTT cho thấy sự không ổn định và theo thời gian chúng có thể gây ra các cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự như lần này, đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Các chuyên gia Nga đánh giá, người tiêu dùng châu Á đã rút ra nhiều bài học từ những đợt thiếu hụt nhiên liệu LNG trước đây. Điều này đã phá vỡ định kiến phổ biến rằng, thị trường LNG giao ngay là giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề. Kết quả này, các nhà nhập khẩu Trung Quốc và từ khắp châu Á nhìn chung đã tích cực hơn trong việc đàm phán sớm các hợp đồng, thỏa thuận cung cấp LNG mới.

Không có giải pháp thay thế

Sự tích cực của Trung Quốc trong việc nhập khẩu thêm sản lượng LNG từ Mỹ đã khiến người tiêu dùng châu Âu lo lắng. Trước đây, những khách hàng châu Âu duy trì tư duy logic rằng, thị trường của họ là hấp dẫn nhất và do đó họ tin tưởng vào những điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu khí đốt thiên nhiên, bao gồm LNG. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã đổi chiều. Các công ty khí đốt trên khắp thế giới hiện ưa thích cung cấp nhiên liệu cho thị trường châu Á-TBD, nơi họ có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn so với thế giới hậu công nghiệp. Ngay cả nhiều thương nhân châu Âu sản xuất LNG cũng ưa thích cung cấp nhiên liệu sang phía Đông bán cầu, nơi giá cả và điều kiện mua bán hấp dẫn hơn.

Theo công ty vận tải biển hàng đầu Flex LNG (sở hữu 13 hãng vận chuyển LNG), việc bán một lô hàng LNG tại châu Á với giá 144 triệu USD đang có mức chênh lợi nhuận khoảng 24 triệu USD so với việc bán lô LNG đó tại thị trường châu Âu, chỉ thu được 120 triệu USD. Nói theo cách khác, để định hướng lại các lô hàng LNG về châu Âu, các nước EU phải tăng mạnh giá khí. Trong tình cảnh hiện tại thì điều này hiển nhiên là bất khả thi về mặt kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp châu Âu buộc phải cắt giảm hoạt động mà không có lựa chọn thay thế khác.

Kết quả là số nhà cung cấp LNG tiềm năng cho châu Âu đang thu hẹp đáng kể, chỉ còn lại như Úc, Qatar. Về mặt lý thuyết thì Úc có thể tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Âu khi Trung Quốc từ chối tăng nhập khẩu LNG của Úc vì lý do chính trị, bất chấp nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng LNG xuất khẩu của Úc tới Trung Quốc hầu như giữ nguyên so với cùng kỳ năm 2020. Các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD của các công ty Trung Quốc với các nhà sản xuất LNG Mỹ có thể làm giảm sản lượng LNG nhập khẩu từ Úc vào Trung Quốc. Kết quả là Úc có thể hướng đến thị trường EU nhiều hơn. Bên cạnh đó, có thể giả định rằng, các nước EU có thể tăng mua LNG từ Qatar - quốc gia có kế hoạch tăng đáng kể sản lượng LNG trong những năm tới. Tuy nhiên, nguồn LNG mà Qatar có thể đáp ứng cho EU có thể chỉ dừng lại ở sản lượng dư thừa sau khi đáp ứng các đơn hàng từ thị trường châu Á.

Các chuyên gia Nga cho rằng, “nhìn xa rồi lại nhìn gần”, EU chỉ có thể nhận được lượng khí cần thiết với mức giá rẻ thông qua các đường ống dẫn khí từ Nga. Trong khi không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận thực tế rằng, thông tin về các thỏa thuận LNG giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ đã tạo động lực mới cho các cuộc thảo luận của EU về việc cấp phép cho đường ống khí đốt North Stream 2.

Tiến Thắng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-gianh-nguon-cung-lng-cua-eu-630898.html