Trung Quốc 'giúp' Nga chống lệnh trừng phạt - Tổng thống Putin hết ý định cậy nhờ?
Dường như Tổng thống Nga Vladimir Putin không còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh, theo nhận định trên trang mạng phân tích tình hình chính trị khu vực Á-Âu Eurasianet.org.
Trên trường quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang phải đối mặt với một số luồng ý kiến tỏ ra nghi ngờ việc Bắc Kinh ủng hộ Nga, trong khi các nước phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, ông Tập buộc phải thận trọng và chính điều này có thể khiến Trung Quốc ngày càng rời xa Nga.
Còn trên thực tế, Trung Quốc đang giảm cung cấp thiết bị công nghệ cao cho Liên bang Nga, hạn chế hợp tác trong không gian và xây dựng các mối liên lạc với Liên minh châu Âu (EU). Theo thống kê mới nhất, Trung Quốc đã giảm mạnh việc cung cấp các sản phẩm công nghệ cao cực kỳ quan trọng (thiết bị, công nghệ…) cho Nga. Trung Quốc cũng từ chối cho Nga vào trạm quỹ đạo của mình và trước đó đã ngừng hợp tác khoa học. Ngoài ra, các tuyến đường vận tải hàng hóa Trung Quốc đi châu Âu đã bỏ qua Liên bang Nga, khiến hàng hóa nhập khẩu từ Liên bang Nga gặp nhiều trở ngại.
Có hay không sự mâu thuẫn?
Trong tất cả các trường hợp, kể cả lập trường dè dặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Nga cũng đang gây ra những phản ứng trái chiều trong giới tinh hoa của nước này. Đặc biệt, đã có những hoài nghi về việc liệu Nga có đáng để Trung Quốc phải đánh đổi, chịu các lệnh trừng phạt quốc tế vì nước này hay không?
Trong bối cảnh đó, các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sau cuộc họp tại Đức đã đưa vào Tuyên bố chung lời cảnh báo Trung Quốc không nên cung cấp hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự cho Nga. Ngoài ra, Mỹ có kế hoạch tăng hình phạt tùy từng trường hợp hỗ trợ Nga.
Vì những lý do nói trên, ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đây dường như cũng nhận ra rằng, không thể trông cậy hoàn toàn vào Trung Quốc, ít nhất là chưa thể.
Cụ thể, tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế ngày 12/5, phần lớn thời lượng bàn về các lệnh trừng phạt quốc tế, Tổng thống Putin nói rằng, “những ngách trong thị trường nội địa bị bỏ trống sau sự ra đi của các đối tác không thân thiện đang dần được các công ty sản xuất của chúng ta nắm giữ”, nhưng ông Putin lại không nói lời nào về Trung Quốc.
Trong khi đó, cho đến gần đây, Nga vẫn kiên trì thúc giục Trung Quốc tiếp quản các ngách sẽ mở ra sau sự ra đi của hàng trăm công ty phương Tây, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối. Thậm chí, gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã rút khỏi thị trường Nga hoặc giảm hoạt động. Trường hợp mới nhất là Aliexpress Nga, theo báo cáo đã sa thải tới 40% nhân viên.
Nhưng cũng có những vấn đề theo hướng ngược lại. Tuyên thông Nga đã viết, “Trên thực tế, Trung Quốc chặn hàng xuất khẩu từ bang duyên hải Primorsky hoặc mua hàng với giá rẻ”, đồng thời cho biết thêm rằng, Bộ Phát triển Kinh tế đã “nhận ra sự tồn tại của một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực xuất khẩu”.
Những khó khăn đối với ngành xuất khẩu ở mức độ như vậy có thể xuấ phát từ xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng cũng có thể từ những khu vực khác. Dù tờ báo này vẫn cho rằng, các khu vực của Nga đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng “trên quy mô lớn, thương mại của Nga với Trung Quốc, cả về xuất nhập khẩu, đều tăng lên hàng năm”. Tuy nhiên, sự thật lại vẽ nên một bức tranh kém lạc quan hơn nhiều.
Theo Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trong tháng 4/2022 đạt 8,9 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống còn 3,8 tỷ USD. Thông thường, thặng dư thương mại là một tin tốt, nhưng trong trường hợp này lại gây rắc rối cho Nga trên hai mặt trận quan trọng: xuất khẩu các mặt hàng chính của nước này là dầu và khí đốt và nhập khẩu các thiết bị quan trọng, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga.
Đầu tiên là xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Mặc dù con số 8,9 tỷ USD trong tháng Tư là mức kỷ lục, nhưng lại có một điều đáng chú ý. Vào tháng 11-12/2021 trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, xuất khẩu gần như ở mức tương ứng (8,2 tỷ USD và 8,3 tỷ USD), nhưng sau đó giá dầu tăng lên khoảng 80 USD/thùng và vào tháng Tư là hơn 100 USD/thùng. Dầu và khí đốt chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Vấn đề là, giá cả tăng khoảng 20% trong khi thu nhập từ xuất khẩu chỉ tăng 10%.
Điều này cho thấy, hai kịch bản có thể xảy ra: Hoặc khối lượng xuất khẩu giảm, hoặc Trung Quốc buộc Nga phải giảm giá sâu ngay cả đối với dầu và khí đốt vận chuyển qua đường ống, vốn giá được cố định trong các hợp đồng dài hạn và không được điều chỉnh (hoặc, có thể cả hai).
Không có chỉ số nào trong các số liệu trên là tốt đối với Nga. Theo kịch bản đầu tiên, Liên bang Nga mất khách hàng lớn nhất của mình ở châu Âu và Trung Quốc từ chối mua thêm những khối lượng này. Và theo kịch bản thứ hai, Liên bang Nga không chỉ mất thu nhập từ châu Âu, mà còn phải bán cho khách hàng lớn còn lại với giá chiết khấu quá lớn.
Điều này cũng được chứng minh bởi các thông báo riêng lẻ khác. Vào tháng Năm, Tập đoàn Lọc dầu và khí đốt nhà nước Trung Quốc PetroChina cho biết, họ sẽ không mua thêm hydrocarbon của Nga, ngay cả khi giảm giá, mà sẽ chỉ giữ nguồn cung cấp theo các hợp đồng dài hạn đã ký kết trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, Ấn Độ, một nước mua năng lượng lớn khác, đang yêu cầu giảm tới 40 USD/thùng đối với dầu từ Nga, điều này khó có thể chấp nhận được nếu Nga có những người mua khác (trước xung đột, dầu Brent và Ural của Nga giao dịch ở mức tương đương nhau, nhưng sau đó, Liên bang Nga buộc phải giảm giá 35 USD, tức là với giá dầu Brent là 100 USD/thùng thì Nga chỉ có thể bán được 65 USD cho dầu Ural).
Liên quan vấn đề này, không có gì ngạc nhiên khi giá năng lượng trên thị trường thế giới dù đạt mức kỷ lục, nhưng vào năm 2022, Nga dự kiến thâm hụt ngân sách ít nhất là 1.600 tỷ Ruble, tương đương khoảng 25 tỷ USD.
Giống như các lệnh trừng phạt chống Nga
Về nhập khẩu, tình hình có vẻ đang đe dọa một cách trực tiếp với nền kinh tế Nga. Vào tháng Ba, kim ngạch nhập khẩu của nước này giảm xuống còn 3,8 tỷ USD và vẫn ở mức tương tự vào tháng Tư, trong khi trước xung đột, con số này đã vượt hơn 8 tỷ USD. Vấn đề ở đây là khoảng 50% toàn bộ nhập khẩu của Nga là hàng công nghệ cao: thiết bị, công nghệ… Và trước cuộc xung đột, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 50% nhu cầu này.
Sự suy giảm nhập khẩu từ Bắc Kinh cho thấy nước này đã giảm cung cấp các sản phẩm công nghệ cao cho Nga, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này, trên thực tế là giống như tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Nga.
Trước đó, đã có thông tin về việc các đại gia công nghệ cao Trung Quốc đang đóng băng các dự án tại Nga. Nếu Nga không thể thiết lập hoạt động nhập khẩu công nghệ cao, nền kinh tế nước này có thể tụt hậu hơn nữa, bao gồm cả các lĩnh vực quan trọng như, dầu khí, vốn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị và công nghệ nhập khẩu.
Các biện pháp trừng phạt Nga đang tạo ra vấn đề cho hành lang đường sắt Con đường tơ lụa mới (NSR) của Trung Quốc, một phần trong sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI). NSR chạy từ Trung Quốc sang châu Âu qua Liên bang Nga và Belarus, nhưng do biên giới với EU bị đóng cửa, việc vận chuyển dọc theo tuyến đường này phần lớn bị đình trệ, gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, giao thông vận tải từ Trung Quốc đến EU mà bỏ qua nga, đã được phát triển đáng kể dọc theo cái gọi là “Hành lang trung tâm” qua Trung Á và Kavkaz. Đặc biệt, vào giữa tháng Năm, chuyến tàu đầu tiên từ Trung Quốc đến Phần Lan đã đi dọc theo tuyến đường này.
Nhìn chung, việc vận chuyển hàng hóa dọc theo “Hành lang Trung tâm” hiện được lên kế hoạch để tăng thêm nhiều lần. Điều này sẽ làm mất đi không chỉ thu nhập của Nga mà còn làm mất đi vai trò của Nga trong dự án quan trọng này đối với Trung Quốc. Và điều này, có thể làm giảm hơn nữa mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của Bắc Kinh đối với Moscow.
(theo Eurasia Net, TTXVN)