Trung Quốc gửi gắm thông điệp gì qua bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại WEF 2022?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức phiên họp trực tuyến đầu tiên trong năm nay hôm 17/1, đánh dấu chính thức mở màn hội nghị đối thoại 'Chương trình nghị sự Davos' kéo dài 5 ngày. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự và có bài phát biểu quan trọng.

Từ sau tháng 1/2021, đây là lần tiếp theo hội nghị đối thoại “Chương trình nghị sự Davos” được khai mạc bằng hình thức trực tuyến, nhấn mạnh tác động của dịch bệnh đối với hợp tác quản trị toàn cầu.

Các bên hy vọng hội nghị đối thoại lần này với chủ đề Nắm tay hợp tác, xây dựng lại lòng tin có thể sẽ đặt nền tảng cho việc tổ chức hội nghị thường niên trực tiếp vào mùa Hè năm nay.

Có phân tích cho rằng, kinh tế thế giới tiếp tục đứng trước “ngã tư đường” dưới sự “thiêu đốt” của dịch bệnh, các thách thức cụ thể và rõ ràng hơn so với năm trước. Tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, làm sâu sắc quan niệm hợp tác quản trị toàn cầu sẽ trở thành ý nghĩa quan trọng.

Đây là lần tiếp theo hội nghị đối thoại “Chương trình nghị sự Davos” được khai mạc bằng hình thức trực tuyến. (Nguồn: Getty)

Đây là lần tiếp theo hội nghị đối thoại “Chương trình nghị sự Davos” được khai mạc bằng hình thức trực tuyến. (Nguồn: Getty)

WEF - Hàn thử biểu của nền kinh tế thế giới

WEF - thành lập vào năm 1971 và được coi là “hàn thử biểu của nền kinh tế thế giới”, là một trong những tổ chức quốc tế phi chính phủ quan trọng nhất để các chính khách, doanh nhân và lãnh đạo tổ chức xã hội trên thế giới nghiên cứu thảo luận các vấn đề kinh tế thế giới.

Dường như vào mùa Đông hàng năm, những nhân vật có “tên tuổi” của các nước đều tập trung ở thị trấn nhỏ đầy băng tuyết trên đỉnh Alpes để tổ chức Diễn đàn Davos nhằm bày tỏ quan điểm của mình về tình hình kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đã làm thay đổi rất lớn diện mạo của Diễn đàn Davos.

Năm 2021, lần đầu tiên hội nghị thường niên Davos mùa Đông chuyển sang tổ chức trực tuyến. Hội nghị trực tiếp vốn dự kiến tổ chức ở Singapore cũng không thực hiện được do dịch bệnh. Năm nay, biến thể Omicron tấn công khiến tình hình phòng chống dịch bệnh toàn cầu càng phức tạp hơn. Một lần nữa Diễn đàn Davos buộc phải chuyển sang thảo luận trực tuyến.

Ngay cả khi như vậy, các bên vẫn muốn thông qua đối thoại trực tuyến trong 5 ngày để đặt nền tảng cho hội nghị Davos thường niên trực tiếp, dự kiến tổ chức vào mùa Hè năm nay.

Trước khi khởi động đối thoại, WEF đã công bố “Báo cáo rủi ro toàn cầu” theo thông lệ. Sau khi tiến hành khảo sát đối với gần 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chính khách và học giả, báo cáo nhấn mạnh, hơn 84% người được khảo sát cho biết lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới.

Hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng “trong 3 năm tới thế giới hoặc sẽ thể hiện rõ xu hướng tiếp tục biến động, hoặc sẽ xuất hiện nhiều điều bất ngờ, hoặc sẽ phát triển phá vỡ quỹ đạo”.

Đối diện với tính không xác định của triển vọng kinh tế, diễn đàn lần này sẽ lấy chủ đề là Nắm tay hợp tác, xây dựng lại lòng tin, hy vọng các bên phản ánh những hiểu biết sâu rộng xoay quanh những vấn đề hợp tác phòng chống dịch, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như thế nào…

Diễn đàn mời chính khách nhiều nước, đại diện các tổ chức quốc tế phát biểu đặc biệt về tình hình thế giới, trong danh sách dự kiến bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen…

Diễn đàn cũng sẽ tổ chức nhiều hội nghị để thảo luận các vấn đề đặc biệt, bao gồm thực hiện công bằng vaccine, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…

Những nhân vật tham gia chính gồm có: Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala…

Các thách thức cụ thể và rõ ràng hơn

Khi thảo luận về bối cảnh tổ chức hội nghị lần này, không ít phương tiện truyền thông hình dung kinh tế thế giới đã tiếp tục đứng ở “ngã tư đường” - dịch bệnh kéo dài và lặp đi lặp lại, kinh tế phục hồi yếu và trắc trở, sức ép lạm phát, nợ công, năng lượng, chuỗi cung ứng đan xen lẫn nhau phức tạp.

Chênh lệch khoảng cách phát triển Nam-Bắc không ngừng nới rộng, việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) gặp nhiều khó khăn.

Theo Trương Quân, Viện trưởng Viện kinh tế Đại học Phúc Đán, so với năm trước, những vấn đề các bên tham gia liên quan của Diễn đàn Davos năm nay cần phải ứng phó rõ ràng hơn, cụ thể hơn và quan trọng hơn.

Đầu tiên chính là dịch bệnh kéo dài. Điều này khiến cho tính không xác định của triển vọng kinh tế thế giới càng nổi bật hơn. Một mặt, biến thể Omicron gây ra “sóng thần” ở Mỹ và châu Âu, gia tăng trở ngại cho sự phục hồi ổn định của các nền kinh tế phát triển.

Mặt khác, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” khiến “khoảng cách miễn dịch” tiếp tục nới rộng, các quốc gia thu nhập thấp chỉ có 5% dân số được tiêm vaccine. Tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine 70% mà WHO kêu gọi trong năm nay có thể đạt hay không được quyết định bởi sự hợp tác chân thành của cộng đồng quốc tế.

Ông Trương Quân nhấn mạnh, các vấn đề then chốt của quản trị toàn cầu, hợp tác quốc tế giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi đối diện với thách thức nghiêm trọng. Sau khi dịch bệnh bùng phát, một số nước đi ngược trào lưu toàn cầu hóa, khiến chủ nghĩa bảo hộ thương mại tập trung trỗi dậy trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số nước lại đặt toan tính chính trị lên vị trí hàng đầu làm cho hợp tác quốc tế ngày càng mang màu sắc chính trị. Các giới bên ngoài lo lắng, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài có thể sẽ khiến kinh tế thế giới xuất hiện rủi ro mất ổn định, mất trật tự, mất cân bằng dưới sự “khuấy đảo” của dịch bệnh.

Tiếp đó, lạm phát cần được coi là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong thời gian tới. Gần đây, tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất và điều này có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Một số nền kinh tế mới nổi sẽ trực tiếp đối diện với các rủi ro như dòng vốn tháo chạy, đồng nội tệ mất giá…, sự phục hồi e rằng sẽ bị liên lụy.

Theo ông Trương Quân, phục hồi chưa thấy nhưng lạm phát đã xuất hiện. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ. Đối với Trung Quốc, làm thế nào vận dụng chính sách linh hoạt để duy trì trạng thái vận hành kinh tế “tiến lên trong ổn định” cũng là một thử thách lớn.

Cuối cùng, đọ sức địa chính trị phức tạp và gay gắt, tình hình an ninh mất ổn định sẽ phủ bóng đen lên sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Một số nước triển khai “vòng tròn nhỏ”, “chiến tranh lạnh mới” trên trường quốc tế, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản lấy Hiến chương LHQ làm trung tâm, tìm cách đẩy thế giới vào trạng thái chia cắt, thậm chí đối đầu.

Andrew Robert Hammond, trợ lý nghiên cứu của Học viện kinh tế London, thẳng thắn cho rằng, các thuyết âm mưu và hoài nghi, làn sóng chính trị dân túy đều là những vấn đề cần phải giải quyết. Đây cũng là lý do tại sao Diễn đàn Davos năm nay lấy chủ đề là “xây dựng lại lòng tin”.

Bốn "hòn đá tảng"

Từ Minh Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Thượng Hải, cho biết, khi tham dự Hội nghị đối thoại “Chương trình nghị sự Davos” năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra 4 vấn đề lớn mà thời đại phải đối mặt, một năm sau những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Dự kiến đối thoại lần này vẫn không thể tách khỏi những vấn đề này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). (Nguồn: AFP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). (Nguồn: AFP)

Thứ nhất, tăng cường hợp tác chính sách kinh tế vĩ mô, cùng thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, bao trùm. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có thể bước vào chu kỳ thắt chặt, việc thảo luận vấn đề này càng có ý nghĩa hơn - các nước thông qua phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng cường phối hợp quản lý giám sát tài chính, cùng bảo vệ sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có lợi cho việc ngăn chặn “tê giác xám” (rủi ro hiển nhiên nhưng bị phớt lờ) đe dọa sự phát triển của kinh tế thế giới.

Thứ hai, xóa bỏ thành kiến ý thức hệ, cùng bước trên con đường chung sống hòa bình, đôi bên cùng có lợi. Hiện nay, cạnh tranh giữa một số quốc gia chủ chốt vẫn đang tiếp tục diễn ra, xung đột lợi ích tiềm tàng gay gắt, các hành vi bảo hộ thương mại theo kiểu gieo vạ cho người khác, quan điểm lạm dụng an ninh quốc gia xuất hiện không ngớt.

Ông Từ Minh Kỳ nhấn mạnh, cho dù là thương mại, đầu tư hay phân công chuỗi cung ứng đều phải tuân theo quy luật thị trường nhất định. Một số nước lấy lý do an ninh quốc gia để can thiệp, điều chắc chắn sẽ khiến cho chi phí tăng cao, hoạt động thương mại và đầu tư bình thường bị ảnh hưởng. Cần phải thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và quản trị toàn cầu để khắc phục.

Thứ ba, khoảng cách phát triển của các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn cần phải thu hẹp. Hiện nay, khoảng cách vaccine, khoảng cách số, khoảng cách phát thải carbon, khoảng cách giàu nghèo đan xen nhau phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình và phát triển của thế giới.

Theo ông Từ Minh Kỳ, các nước phát triển nên cung cấp vaccine, vật tư y tế nhiều hơn cho các nước đang phát triển, cung cấp tài chính và công nghệ để ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện việc cắt giảm nợ đối với các nước nghèo…, thông qua các biện pháp khác nhau để lấp đầy khoảng cách và thu hẹp sự mất cân đối trong phát triển kinh tế thế giới.

Thứ tư, bắt tay ứng phó những thách thức mang tính toàn cầu. Các hình thái kinh tế mới như kinh tế số, 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)… những vấn đề an ninh và quản lý, giám sát liên quan cũng trở thành nội dung thảo luận của các bên.

“Tiếng nói” của Trung Quốc tại Diễn đàn Davos đang nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Tờ DW coi bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 17/1 là một điểm sáng. Hãng thông tấn AP nhấn mạnh ông Tập Cận Bình là “nhân vật nặng ký” trong số những người tham dự diễn đàn.

Các chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, “độ sáng” của Trung Quốc ở Diễn đàn Davos ngày càng cao, Diễn đàn dần trở thành nơi quan trọng để Trung Quốc cất lên “tiếng nói Trung Quốc” về các vấn đề quốc tế và quản trị toàn cầu.

Hiện nay, Trung Quốc đang dựa vào chiến lược phát triển kinh tế tiến lên trong ổn định, mang lại niềm tin cho kinh tế thế giới. Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nên gửi đi tín hiệu Trung Quốc thông qua chính sách vĩ mô để duy trì tăng trưởng ổn định nền kinh tế.

(theo Shobserver)

Thạch Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-gui-gam-thong-diep-gi-qua-bai-phat-bieu-cua-chu-tich-tap-can-binh-tai-wef-2022-171564.html