Trung Quốc hóa giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao

Đứng trước nhu cầu nền kinh tế số phát triển mạnh khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi vào các ngành nghề, lĩnh vực, Trung Quốc đã tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực công nghệ cao thông qua mô hình hợp tác giáo dục giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Một lớp học công nghệ cao tại Trường Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến.

Một lớp học công nghệ cao tại Trường Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực với tốc độ nhanh. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao rất lớn. Điều này đã đặt ra những thách thức cho Trung Quốc trong việc đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh công nghệ cao nói chung và AI nói riêng.

Theo “Sách trắng Hệ sinh thái nhân tài công nghệ thông tin Trung Quốc”, đến năm 2025, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao của Trung Quốc cần 64 triệu người, thiếu hụt 20 triệu người, trong đó có 5,71 triệu người trong lĩnh vực điện toán đám mây, 3,78 triệu người trong lĩnh vực AI và 1,7 triệu người trong lĩnh vực HarmonyOS (hệ điều hành do Huawei phát triển)...

Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác đào tạo theo từng ngành nghề, lĩnh vực giữa trường đại học và doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều trường đại học của Trung Quốc đã hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Huawei, BYD... xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với thực tiễn, tích hợp công nghệ AI vào quá trình giảng dạy theo nhu cầu của từng ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp đội ngũ chuyên gia hỗ trợ toàn diện từ thiết kế chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên đến xây dựng nền tảng thực hành để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo. Trường đại học cung cấp mô hình giảng dạy ba trong một gồm “thực tế-thực nghiệm-thực hành”, cho phép sinh viên tiếp xúc với các công nghệ kỹ thuật số hàng đầu trong ngành ngay tại trường để đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, ông Tống Vinh (Song Rong), Viện trưởng Học viện Kỹ thuật điện tử và thông tin, Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, các khoa, ngành của trường đã hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, BYD… xây dựng 15 trung tâm đào tạo chuyên ngành cụ thể.

Ông Tống Vinh (Song Rong), Viện trưởng Học viện Kỹ thuật điện tử và thông tin, Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến.

Ông Tống Vinh (Song Rong), Viện trưởng Học viện Kỹ thuật điện tử và thông tin, Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến.

Ông Tống Vinh chia sẻ: “Trước kia, nhà trường cử giảng viên tới các doanh nghiệp, tập đoàn để học tập, sau đó đưa kiến thức học được về giảng dạy trong trường. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình này không cao. Sau đó, nhà trường đã đưa công nghệ, kỹ thuật của doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy chuyên môn theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao hơn. Điều này sẽ giúp sinh viên của trường có khả năng thích ứng, làm việc tốt ngay sau khi tốt nghiệp. Tôi cho rằng mô hình hợp tác này phù hợp với tất cả các trường hiện nay”.

Giới thiệu sản phẩm do do thầy trò Trường Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến nghiên cứu, phát triển.

Giới thiệu sản phẩm do do thầy trò Trường Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến nghiên cứu, phát triển.

Một dây chuyền sản xuất tự động từ phun sơn-đóng gói-ghi nhãn...

Một dây chuyền sản xuất tự động từ phun sơn-đóng gói-ghi nhãn...

Trường Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến đã nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng các trường đại học kỹ thuật nghề nghiệp Trung Quốc. Được biết, tỷ lệ tìm được việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Kỹ thuật và Nghề nghiệp Thâm Quyến đạt 98% với mức lương khởi điểm cao hơn mức bình quân của sinh viên cả nước. Tại ngày hội tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp năm 2024, trường đã mời hơn 430 doanh nghiệp tham dự, qua đó cung cấp gần 20.000 nhân lực cho các doanh nghiệp.

HỮU HƯNG-HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trung-quoc-hoa-giai-bai-toan-thieu-hut-nguon-nhan-luc-cong-nghe-cao-post881990.html