Trung Quốc hoàn thành việc xây trạm không gian vũ trụ vào năm 2022

Đến năm 2022 Trung Quốc sẽ xây dựng xong và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung – nặng 100 tấn và có sức chứa tối đa 3 người.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao kỹ thuật có yếu tố con người Trung Quốc lần thứ 4 vừa được tổ chức tai thành phố Quảng Châu, Trung Quốc (16-17/11), ông Châu Kiến Bình - tổng thiết kế sư công trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc cho biết, dự kiến đến năm 2022 nước này sẽ hoàn thành trạm không gian có sức chứa tối đa 3 người.

Tên lửa đưa ba phi hành gia lên trạm Thiên Cung 1. Ảnh: Jason Lee/Reuters.

Tên lửa đưa ba phi hành gia lên trạm Thiên Cung 1. Ảnh: Jason Lee/Reuters.

Ông Châu Kiến Bình – tổng thiết kế sư công trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc cho biết, đến năm 2022 nước này sẽ xây dựng xong và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung – nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài.

Được biết, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ gồm 3 phần, 1 module lõi, 2 phòng thí nghiệm không gian và có thời gian vận hành 15 năm. Module lõi có tên gọi Thiên Hòa dài 18,1m, đường kính 4,2m, là trung tâm, cũng là nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong.

Hai phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên dài 14,4m, đường kính 4,2m sẽ là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học. Trạm không gian Thiên Cung cũng dự phòng phương án thiết kế trong trường hợp mở rộng không gian trạm. Dự kiến, module lõi Thiên Hòa sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B vào năm 2020.

Với việc trạm không gian quốc tế (ISS) dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2025, trạm Thiên Cung của Trung Quốc sẽ là trạm vũ trụ duy nhất trong không gian./.

PV/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-hoan-thanh-viec-xay-tram-khong-gian-vu-tru-vao-nam-2022-979618.vov