Trung Quốc-Iran: Ba điều đáng ngẫm từ một thỏa thuận

Việc Trung Quốc-Iran hợp tác, đi ngược lại với lợi ích của Washington không mới, nhưng dự thảo thỏa thuận giữa Trung Quốc-Iran vẫn cho thấy nhiều điểm đáng chú ý.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP)

Tờ New York Times đã đăng tải thông tin vào ngày 11/7 được cho là nội dung của dự thảo thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran trong 25 năm tới.

Mối quan hệ không lạ lẫm

Xét về mặt lịch sử, hợp tác giữa Bắc Kinh và Tehran không mới. Thỏa thuận này cũng vậy, vốn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm năm 2016 tới Tehran, dù chỉ mới được Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông qua vài tuần gần đây.

Trên thực tế, từ lâu Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu dầu chính của Iran. Ngày 10/7, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách vấn đề kinh tế Gholam-Reza Ansari cho biết Trung Quốc là quốc gia duy nhất còn chính thức mua dầu từ Iran, dù con số này đang giảm dần do biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với công ty Trung Quốc thực hiện giao dịch như Tập đoàn Vận tải biển Trung Hoa (COSCO) hay Ngân hàng Côn Luân.

Tương tự, các lệnh cấm của Washington, cùng đại dịch Covid-19 đã khiến kim ngạch thương mại song phương sụt giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh nền kinh tế Iran chưa khởi sắc, quan hệ kinh tế với đối tác hàng đầu chịu ảnh hưởng ít nhiều giải thích tại sao Iran sớm phê chuẩn thỏa thuận nêu trên, thiết lập mối quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc.

Thỏa thuận chiến lược

Về tổng thể, đây là một thỏa thuận toàn diện, mở rộng quan hệ đối tác trên tất cả các lĩnh vực, từ thương mại cho đến quân sự. Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư, mở rộng sự hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Iran, từ ngân hàng, viễn thông, cảng biển, đường sắt và nhiều dự án quan trọng, với trị giá ước tính lên tới 400 tỷ USD trải dài trong 25 năm. Đổi lại, theo một quan chức Iran và các thương gia buôn dầu, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu không gián đoạn, với giá cả ưu đãi từ Iran trong một phần tư thế kỷ tới. Iran sẽ tích cực tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)...

Quan trọng hơn, thỏa thuận 18 trang này đề cập việc đưa hợp tác quân sự đi vào chiều sâu, giúp Trung Quốc xây dựng chỗ đứng tại Trung Đông, nơi Nga và Mỹ thay nhau mở rộng tầm ảnh hưởng. Hai bên sẽ tăng cường huấn luyện và tập trận chung, mở rộng hợp tác nghiên cứu, phát triển vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo...

Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif khẳng định chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố một khi hoàn tất. (Nguồn: AFP)

Giới chức Iran tỏ ra rất hào hứng với thỏa thuận này. Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho biết: “Với sự tự tin và niềm tin tưởng, chúng tôi đang đàm phán một thỏa thuận chiến lược 25 năm với Trung Quốc” và cả nước sẽ được thông báo “khi một thỏa thuận được ký kết”. Ngày 8/7, diễn giải về thỏa thuận nêu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyed Abbas Mousavi nhấn mạnh “mối quan hệ chiến lược giữa Iran và Trung Quốc bao gồm những lợi ích chiến lược cho nhân dân hai quốc gia có kẻ thù, vốn sẵn sàng làm mọi điều để những cuộc đàm phán thất bại”.

“Kẻ thù” được đả động tới ở đây là Mỹ. Ngay khi bản thảo thỏa thuận được tờ New York Times công bố, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng: “Mỹ sẽ tiếp tục có biện pháp trừng phạt đối với các công ty của Trung Quốc hỗ trợ Iran”. Tương tự, không phải người Iran nào cũng vui: Hồi tháng trước, cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã lên tiếng chỉ trích các cuộc đàm phán đang diễn ra với “một quốc gia nước ngoài”.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức và dường như sẽ chỉ có tuyên bố khi mọi chuyện thuận buồm xuôi gió.

Điểm đáng ngẫm

Có một vài điểm đáng ngẫm trong thỏa thuận này. Thứ nhất, thỏa thuận sẽ khiến quan hệ hợp tác giữa Iran và Trung Quốc toàn diện hơn, thay vì chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực như dầu khí. Đồng thời, Bắc Kinh có thể lấy đà, mở rộng triển khai BRI, với Tehran là một điểm dừng chân quan trọng.

Thứ hai, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ kinh tế với tất cả người chơi lớn tại Trung Đông, song ưu tiên chủ yếu là đáp ứng nhu cầu năng lượng và mở rộng BRI. Tuy nhiên, một thỏa thuận đề cập hợp tác quân sự với Iran có thể thay đổi điều này. Với Trung Quốc, đó là cơ hội xây dựng và mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông, thiết lập căn cứ quân sự tại Vịnh Ba Tư, nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng trong tuyến giao thương hàng hải quốc tế. Các cuộc huấn luyện, tập trận chung với Quân đội và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) dày dạn kinh nghiệm có thể cải thiện, nâng cao năng lực tác chiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Vì thế, sự hiện diện tăng cường của Trung Quốc tại khu vực sẽ không chỉ thay đổi tình hình địa chính trị tại Trung Đông, mà thậm chí còn mang tới biến chuyển ngay tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Thứ ba, thỏa thuận này chắc chắn mang lại lợi ích đáng kể dành cho Iran. Khoản đầu tư 400 tỷ USD sẽ giúp Tehran dễ thở hơn nhiều trước lệnh cấm vận, qua đó phần nào khôi phục vị thế chính trị và kinh tế tại khu vực.

Về hợp tác quân sự, đó là cơ hội để Iran mở rộng hợp tác, nghiên cứu và phát triển các vũ khí mới nhất, lấy đó mặc cả với Mỹ để dỡ bỏ cấm vận đối với chương trình hạt nhân, duy trì và mở rộng tầm ảnh hưởng tại Libya và Syria. Lợi ích chung và quan hệ gần gũi với Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng mong muốn níu giữ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) của Liên minh châu Âu (EU) đồng nghĩa rằng những Nghị quyết cấm vận Iran tại Liên hợp quốc sẽ khó có khả năng được thông qua hơn.

Do đó, cả Iran và Trung Quốc có nhiều lý do để theo đuổi thỏa thuận này. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình triển khai, điều mà chỉ thời gian có câu trả lời.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-iran-ba-dieu-dang-ngam-tu-mot-thoa-thuan-119457.html